watch sexy videos at nza-vids!

wap tai game


Thế Giới Giải Trí

Bị Thiêu Sống

Chương 5: MÁU CỦA CÔ DÂU

Cha mẹ anh Hussein đã đến hỏi cưới chị Noura. Hai ông bà ấy đã đến nhiều lần để thương lượng vì ở đất nước tôi, cho con gái đi lấy chồng có nghĩa là gả bán con gái lấy vàng. Nghĩa là cha mẹ anh Hussein phải mang vàng đến, họ đặt vàng trong cái mâm mạ vàng thật đẹp, và cha anh Hussein đã nói: “Đây, một nửa là phần của cha cô dâu, ông Adnan, nửa kia là phần của con gái ông, Noura”. 
Nếu ngần ấy vàng mà vẫn chưa đủ thì phải thương lượng thêm. Cả hai phần đều quan trọng vì đến ngày làm lễ cưới, cô dâu phải cho mọi người xem số vàng mà cha mình nhận được trong vụ gả bán. 
Số vàng mà chị Noura sẽ đeo trong ngày cưới không phải là vàng dành cho chị. Vòng tay, chuỗi hạt, vương miện chỉ là thứ chị cần để bảo toàn danh dự của chính mình và của cha mẹ. Những thứ ấy cũng không dành cho tương lai chị hay cho bản thân chị, nhưng chị có thể đi khoe khắp làng và khi mọi người nhìn thấy chị đi qua, mọi người sẽ kháo nhau là con bé ấy đã mang bao nhiêu là vàng về cho cha mẹ. Nếu ngày cưới mà không có nữ trang để đeo thì quả thật là vô cùng xấu hổ cho cô dâu và gia đình cô dâu. Cha tôi đã quên nói với chúng tôi điều đó khi bảo chúng tôi không bằng một con cừu, không mang gì được về nhà. Khi bán một đứa con gái, ông đã nhận được một nửa số vàng đó thôi! 
Thế là ông có thể cò kè thêm bớt. Chúng tôi không tham dự vào cuộc trả giá, nó chỉ diễn ra giữa những người đàn ông. Khi mọi thứ đã thoả thuận xong, cũng chẳng có giấy tờ giao kèo, lời nói giữa những người đàn ông rất có giá trị. Chỉ duy nhất lời nói của những người đàn ông. 
Phụ nữ không có quyền nói gì, cả mẹ tôi và mẹ của Hussein cũng không được nói, đến cả cô dâu cũng không được nốt. Chưa ai được nhìn thấy vàng nhưng chúng tôi đều biết chuyện cưới xin đã thoả thuận xong vì gia đình anh hussein đã đến. Nhưng không được làm phiền, không được thò mặt ra, phải tôn trọng cuộc ngã giá của cánh đàn ông. 
Chị Noura biết có một người đàn ông đi cùng cha mẹ đến nhà mình, như thế chắc chắn chị sẽ lấy chồng. Chị rất hài lòng. Chị bảo tôi là chị muốn lấy chồng để có thể ăn mặc đẹp hơn, đế được nhổ lông mày, để có một gia đình riêng của chị và để có con cái. Chị Noura tính rụt rẻ nhưng có khuôn mặt đẹp. Tuy nhiên chị cũng cảm thấy lo lắng khi hai ông bố ngồi tranh cãi nhau. Chị rất muốn biết họ đã mang đến bao nhiêu vàng và cầu trời phù hộ cho họ nhanh chóng đi đến thống nhất. 
Chị không biết đức ông chồng tương lai mặt mũi ra sao, không biết anh ta bao nhiêu tuổi và cũng không hỏi trông anh ta thế nào. Hỏi như thế xấu hổ lắm. Ngay cả hỏi tôi bởi tôi có thể nấp ở đâu đấy rình xem mặt mũi anh ta, chị cũng không dám. Có lẽ chị sợ tôi sẽ mách chuyện này với cha mẹ. 
Mấy hôm sau, cha tôi gọi chị Noura lên và nói với chị trước sự chứng kiến của mẹ tôi: “Thế này, đến ngày này… .mày sẽ lấy chồng”. Tôi không có mặt ở đấy vì tôi không được phép chứng kiến. 
Đúng ra ngay đến mấy chữ tôi “không được phép” tôi cũng không có quyền nói. Con gái mà nói một câu như thế là chuyện không thể có. Đó là tục lệ, chỉ có thế thôi. Nếu cha bạn bảo: “Mày phải ở trong cái xó ấy suốt đời” thì suốt đời bạn sẽ phải ở trong cái xó ấy. Nếu cha bạn đặt một quả ôliu vào cái đĩa và bảo: “Hôm nay mày chỉ được ăn mỗi cái này thôi” thì hôm đó bạn chỉ được ăn có thế. Khó mà thoát khỏi cái lốt nô lệ đã trót mang chỉ vì sinh ra làm thân con gái, suốt quãng đời ấu thơ ta phải sống mà như không tồn tại trên đời, phải phục tùng đàn ông và răm rắp tuân theo những luật lệ do đàn ông áp đặt, đã được cha mẹ, anh em trai bảo tồn và duy trì một cách thường xuyên. Lối thoát duy nhất là lấy chồng, nhưng đâu vẫn hoàn đấy và tình trạng cũ vẫn cứ kéo dài mãi mãi. 
Theo ước đoán của tôi, tuổi tôi chừng mười bốn khi chị Noura đạt được vị trí đáng thèm muốn ấy. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, mà nhầm to là đằng khác. Tôi đã suy đi tính lại, có sắp xếp những hình ảnh của ký ức theo thứ tự mà tôi nhận ra rằng cuộc đời tôi vào thời điểm đó không có những cột mốc đánh dấu như ở châu Âu. Không có sinh nhật, không có những bức ảnh, đó là cuộc đời của một con vật nhỏ bé chỉ biết ăn, làm việc thật nhanh, ngủ và chịu đòn roi. Rồi khi biết mình đã “chín”, nghĩa là đã bước vào thời kỳ có thể gặp nguy hiểm, có thể rước lấy những cơn giận dữ của xã hội nếu phạm sai lầm. Và từ cái tuổi “chín” ấy trở đi, lấy chồng sẽ là giai đoạn kế tiếp. Thông thường, một đứa con gái được xem là đã “chín” vào năm mười lăm tuổi và lấy chồng vào năm từ mười bốn tuổi đến mười bảy tuổi là muộn nhất. Chị Noura dường như đã sắp sửa bước đến giới hạn muộn nhất ấy. 
Thế là gia đình bắt đầu chuẩn bị lễ cưới và báo tin cho hàng xóm biết. Vì nhà chúng tôi không rộng lắm nên chúng tôi phải thuê sân chung của làng để tiếp đón khách mời. Chỗ đó rất đẹp, có một vườn hoa nhỏ xinh trong đó trồng cả nho và một khoảng sân khiêu vũ. Ở đấy còn có một hàng hiên có mái che để mọi người có thể đứng trong bóng mát và làm chỗ trú chân cho cô dâu. 
Cha tôi đã chọn được cừu. Bao giờ cũng phải con cừu non nhất vì thịt nó mềm và không phải nấu lâu. Nếu thịt nấu lâu quá, người ta sẽ nói rằng ông bố vợ không giàu có nên mới chọn loại cừu già và không cho khách ăn những món ngon. Uy tín của ông bố sẽ bị ảnh hưởng và về phần cô dâu, tình cảnh sẽ còn tồi tệ hơn nữa. 
Thế nên cha tôi đích thân chọn một con cừu non. Ông đi vào chuồng, quan sát rồi túm lấy con cừu ông đã chọn và lôi nó ra vườn. Ông buộc chân con vật lại để nó không vùng vẫy và ông cầm dao, và chỉ bằng một nhát dao đã cắt tiết xong. Sau đó ông cầm cái đầu lắc lắc trên chiếc khay to để máu chảy ra. Tôi nhìn máu phun trào với một nỗi kinh tởm mơ hồ. Bốn chân con cừu vẫn còn động đậy. Phần việc của cha tôi đã kết thúc, đám phụ nữ sẽ lo xẻ thịt. Họ đun nước để rửa sạch bên trong con cừu. Không ai ăn ruột cừu nhưng có lẽ chúng dùng vào việc khác nên được để riêng ra một bên. Sau đó phải lột da và mẹ tôi sẽ đảm trách công việc khó khăn này. Bộ da không được rách nát, phải còn nguyên vẹn. Bây giờ con cừu đã được đặt nằm dưới đất, bị moi hết ruột gan và sạch sẽ. Mẹ tôi dùng con dao to bản tách lớp da khỏi phần thịt. Bà cắt sát vào phần thịt và bà giật mạnh bằng một cử chỉ chính xác. Lớp da tuột ra từng mảng cho đến khi cả bộ da rời hẳn thân con cừu. Bà để cho nó khô rồi đem bán hoặc giữ lại dùng. Phần lớn những tấm da cừu của chúng tôi đều đem bán. Nhưng nếu chỉ đem ra chợ mỗi một bộ da thì không được. Phải đem nhiều bộ để mọi người thấy mình giàu. 
Trước lễ cưới một ngày, vào lúc trời tối, sau khi làm thịt con cừu xong, mẹ tôi sửa soạn cho chị Noura. Bà lấy một cái chảo cũ, một quả chanh, một ít dầu ôliu, một lòng đỏ trứng và một ít đường. Bà bỏ tất vào chảo, đun lên rồi dắt chị Noura vào một gian phòng trống. Với những thứ đã chuẩn bị, bà nhổ lông cho chị Noura. Phải nhổ hết sạch lông mọc trên chỗ kín. Tất cả phải thật trụi và sạch. Mẹ tôi bảo nếu mình vô phúc để sót, dù chỉ một sợi lông thì chú rể sẽ bỏ đi ngay, thậm chí không thèm nhìn mặt vợ và chê cô dâu bẩn! 
Chuyện về những sợi lông dơ bẩn cứ làm tôi thắc mắc mãi. Người ta không nhổ lông chân, không nhổ lông tay, mà chỉ nhổ lông chỗ kín. Và nhổ cả lông mày nhưng là để làm đẹp. Cũng như cặp vú, khi con gái bắt đầu có lông, thì đó là những dấu hiệu đầu tiên biến người con gái thành đàn bà. Và khi chết, người con gái sẽ chết với những sợi lông ấy, bởi Đấng Tối cao đã tạo ra như nào thì sẽ đem chúng ta đi như thế. Mặc dù, mọi đứa con gái đều tự hào với ý nghĩ rằng mình đã được nhổ lông… Đó là bằng chứng chứng tỏ họ sắp thuộc về một người đàn ông khác không phải là cha đẻ của mình. Họ sẽ trở thành một “ai đó” không có lông. Tôi thấy hình như đó là sự trừng phạt thì đúng hơn vì tôi nghe tiếng chị tôi kêu thét. Khi chị từ trong phòng bước ra, mấy người đàn bà đã chờ sẵn sau cánh cửa chạy ra vừa vỗ tay vừa reo hò ầm ĩ. Đó là một niềm vui lớn: chị tôi đã sẵn sàng để lấy chồng, để hiến dâng trinh tiết. 
Sau màn vui ấy chị được phép đi ngủ. Đám đàn bà cũng về nhà bởi họ đã trông thấy chị Noura và biết mọi việc đã được làm đúng theo quy tắc. 
Sáng hôm sau, vào lúc mặt trời mọc, trong khoảng sân dành cho lễ cưới, người ta chuẩn bị nấu các món ăn cho buổi tiệc. Phải để cho mọi người nhìn thấy công việc nấu nướng và ước tính số lượng món ăn. Và nhất là, dù chỉ nấu một nắm cơm nhưng cũng phải nấu sao cho thật khéo, bằng không sẽ bị cả làng đàm tiếu. Một nửa sân được dành cho công việc này. Có món thịt, bánh trộn, rau, cơm, thịt gà và rất nhiều món ngọt cùng bánh mứt do mẹ tôi làm với sự giúp đỡ của những người hàng xóm, vì nếu chỉ có một mình, bà sẽ không thể làm xuể cho ngần ấy khách mời. 
Khi đồ ăn được dọn lên và bày ra trước mắt mọi người, mẹ tôi cùng một người đàn bà nữa đến chuẩn bị cho chị tôi. Chiếc váy có hàng cúc bằng vải được thêu phía trước buông dài đến mắt cá chân chị. Khi từ phòng bước ra, chị Noura rực rỡ hẳn lên với vòng vàng đầy người. Đẹp như một bông hoa. Chị đeo vòng tay, chuỗi hạt và nhất là chiếc vương miện, món nữ trang rất quan trọng đối với một cô dâu! Chiếc vương miện làm từ những mảnh vàng kết thành một thứ dây buộc quanh đầu. Mái tóc buông xõa của chị được vuốt bằng dầu ôliu cho bóng nhẫy lên. Người ta sẽ cho chị ngồi lên ngai vàng của chị. Đó là chiếc bàn bên trên kê thêm một cái ghế và phủ khăn trắng tinh. Chị Noura sẽ ngồi lên đó cho mọi người ngắm trước khi chú rể đến. Tất cả phụ nữ tham dự đều chen nhau vào trong sân, vừa ngắm cô dâu vừa hò reo. 
Bên ngoài đám đàn ông đang nhảy múa. Họ không nhập bọn với cánh phụ nữ trong sân. 
Chúng tôi cũng không được phép lại gần cửa sổ để xem họ nhảy múa thế nào. 
Bây giờ chú rể sắp bước vào. Cô dâu bẽn lẽn cúi đầu. Chị chưa được phép nhìn thẳng vào chú rể mặc dù đó là lần đầu tiên chị có dịp nhìn xem chú rể ra sao. Tôi đoán mẹ đã cho chị biết một vài thông tin về vóc dáng, gia đình, nghề nghiệp, tuổi tác của chú rể rồi… nhưng không có gì là chắc chắn. Có lẽ người ta chỉ cho chị biết về việc cha mẹ chú rể đã mang số vàng cần thiết đến mà thôi. 
Mẹ tôi lấy một tấm mạng trùm lên đầu chị tôi, và chú rể ăn mặc sang trọng bước vào như một ông hoàng. Anh ta bước đến gần chị Noura. Chị vẫn ngoan ngoãn để hai bàn tay lên đầu gối, cúi đầu dưới tấm mạng để tỏ ra là con nhà gia giáo. Đây được xem là giây phút quan trọng nhất đời chị tôi. 
Tôi cũng như mọi người và tôi thèm được như chị. Tôi thèm được làm người chị cả, thèm được theo mẹ đi khắp nơi, trong khi trên thực tế, tôi cùng chị Kainat phải làm quần quật trong chuồng gia súc. Tôi thèm được là người đầu tiên rời khỏi nhà này. Đứa con gái nào cũng thèm được đặt ở vị trí cô dâu ngày hôm ấy, được mặc chiếc áo cưới màu trắng đẹp khủng khiếp, được đeo vàng khắp người. Chị Noura đẹp quá! Nhưng chị lại không đi giày, tôi chỉ thất vọng ở mỗi điểm ấy. Đối với tôi, đi chân đất là một điều bất hạnh vô cùng. Trên đường ra chợ, tôi đã nhìn thấy nhiều phụ nữ đi giày. Có lẽ vì đàn ông bao giờ cũng đi giầy nên đối với tôi, đôi giày là biểu tượng của sự tự do. Có giầy, ta có thể bước đi mà không bị đá nhọn và gai đâm thủng da chân…. Chị Noura đi chân không còn anh Hussein mang đôi giầy tuyệt đẹp được đánh xi bóng loáng làm tôi như bị thôi miên. 
Hussein tiến về phía chị tôi. Trên chiếc bàn cao đó, người ta đã kê sẵn cho anh một chiếc ghế có phủ khăn trắng. Anh ngồi xuống, đưa tay giở tấm mạng trắng lên và ngoài sân vang lên những tiếng hò reo. Buổi lễ đã được cử hành. Chú rể đã giở tấm mạng che mặt người con gái trong trắng của riêng anh ta và sẽ sinh cho anh ta nhiều con trai. 
Cả hai ngồi đấy như hai hình nộm. Mọi người nhảy múa, ca hát, ăn uống ồn ào nhưng họ vẫn không nhúc nhích. Chúng tôi mang đồ ăn đến cho họ ăn tại chỗ và để cho quần áo đẹp của họ không bị dính bẩn, chúng tôi lấy khăn trắng trùm lên cho họ. 
Chú rể không chạm vào người cô dâu, không hôn, cũng không cầm tay cô dâu. Giữa họ không có gì xảy ra, không một cử chỉ yêu thương hay một lời âu yếm. Cả hai người là hình ảnh bất động của đám cưới và đám cưới diễn ra rất lâu. 
Tôi cũng hoàn toàn không biết gì về người đàn ông ấy, tuổi tác thế nào, có anh chị em hay không, làm nghề gì, sống cùng cha mẹ ở đâu. Thế mà cũng là người cùng làng đấy. Người làng tôi chỉ lấy vợ cùng làng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi trông thấy người đàn ông ấy. Trước đó, tôi không biết anh ta là người như thế nào, đẹp hay xấu, cao hay thấp, béo hay gầy, mù hay cụt tay, mồm có méo xệch hay không, có đủ hai tai hay bị sứt, mũi có to không… Nhưng Hussein là anh chàng khá bảnh trai. Anh không cao lắm, khoảng một mét bảy mươi, tóc xoăn và húi cua, thân hình có thể nói là nở nang. Mặt ngăm đen, rám nắng, có vẻ khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ. Mũi anh rất ngắn, hơi tẹt và hai lỗ mũi rộng, khá là dáng. Anh bước đi kiêu hãnh và thoạt nhìn thì cũng có vẻ hung dữ, những cũng có thể có. Tôi nhận thấy rõ như thế vì thỉnh thoảng anh ta nói năng nóng nảy. 
Để nhắc khéo cho mọi người biết buổi lễ sắp kết thúc và khách mời sẽ phải ra về, những người phụ nữ bắt đầu hát những câu nhằm vào chú rể, đại khái như sau: “Giờ thì anh hãy bảo vệ em. Nếu không bảo vệ em, anh không phải là một đấng nam nhi…” Và bài hát cuối cùng bắt buộc: “Nếu anh không nhảy múa cho chúng tôi xem thì chúng tôi không rời khỏi chỗ này”. 
Cả hai người, chú rể và cô dâu phải nhảy múa để kết thúc buổi lễ. 
Chú rể đỡ cô dâu bước xuống – lần này chú rể chạm tay vào cô dâu, cô dâu đã thuộc về chú rể – và họ khiêu vũ cùng nhau. Một vài cặp vợ chồng không khiêu vũ, vì bẽn lẽn. Chị Noura đã khiêu vũ rất nhiều với cả làng. 
Bây giờ chú rể đưa vợ về nhà, lúc này trời đã sẩm tối. Cha Hussein đã cho anh ta một ngôi nhà, nếu không cho thì không phải là một người đàn ông. Nhà riêng của Hussein nằm không xa nhà cha mẹ anh ta lắm, cũng ngay trong làng. Hussein và chị Noura đi bộ, chỉ hai vợ chồng mà thôi. Chúng tôi vừa nhìn theo vừa khóc. Ngay đến cậu em trai tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc vì chị Noura đã rời bỏ chúng tôi, chúng tôi khóc không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chị nếu chồng chị nhận thấy chị không còn trinh. Chúng tôi thấp thỏm mãi. Cần phải đợi đến rạng sáng, khi anh chồng đứng trên ban công giơ cao chiếc ga trải giường hoặc treo nó trên cửa sổ để mọi người chính thức nhìn thấy vết máu của cô dâu. Khăn trải giường phải treo sao cho mọi người dễ nhìn thấy và phải có nhiều người trong làng đến xem. Nếu chỉ có hai, ba người xem thì không đủ. Bằng chứng có thể không được công nhận, không có ai có thể nói trước điều gì. 
Tôi còn nhớ ngôi nhà và khoảng sân trước nhà họ. Có một bức tường xây bằng đá và xi măng bao quanh. Mọi người đang đứng chờ. Đột nhiên, anh rể tôi xuất hiện với chiếc ga trải giường và kêu lên vẻ hài lòng. Đàn ông thì huýt sáo, đàn bà thì hát và vỗ tay bởi Hussein đã giơ ra chiếc ga trải giường. Đó là một tấm ga đặc biệt được trải lên giường trong đêm tân hôn. Hussein treo chiếc khăn ngay trên ban công và kẹp mỗi bên bằng hai chiếc kẹp trắng. Lễ cưới màu trắng, chiếc ga trải giường màu trắng, hai chiếc kẹp cũng màu trắng, chỉ có vết máu là màu đỏ. 
Hussein giơ tay chào mọi người và quay vào nhà. Đó là chiến thắng. 

- o O o -


Máu cừu, máu thiếu nữ còn trinh, lúc nào cũng là máu. Tôi nhớ vào mỗi dịp lễ aid, cha tôi lại giết một con cừu. Máu hứng đầy một chậu. Ông nhúng cái giẻ vào chậu máu rồi bôi lên cửa ra vào, bôi khắp sàn nhà. Phải bước vào trong để đi qua cánh cửa sơn bằng máu đến tận trên cao ấy. Tôi sợ đến phát ốm. Tất cả những thứ do tay ông giết đều làm tôi phát ốm lên vì sợ. Lúc tôi còn bé, người ta đã bắt tôi như bắt những đứa trẻ khác, phải xem cha tôi giết gà, giết thỏ, giết cừu. Chị tôi và tôi đều đinh ninh rằng ông có thể vặn cổ chúng tôi như một con gà, chọc tiết chúng tôi như một con cừu. Lần đầu tiên, tôi khiếp sợ đến nỗi đã nấp sau mẹ để khỏi phải chứng kiến những gì đang diễn ra, nhưng bà bắt tôi phải nhìn cho kỳ được. Bà muốn tôi nhìn để biết cha tôi đã giết như thế nào và để tôi có thể trở thành thành viên trong gia đình và trút bỏ được sợ hãi. Nhưng không hiểu sao, lúc nào tôi cũng sợ, bởi vì máu làm tôi liên tưởng đến cha tôi. 
Ngày hôm sau, cũng như mọi người, tôi đến xem vết máu của chị tôi trên chiếc ga trải giường. Mẹ tôi khóc, tôi cũng khóc. Lúc ấy chúng tôi khóc rất nhiều để biểu lộ niềm vui, để suy tôn danh dự của cha đã giữ trinh tiết của con gái mình. Chúng tôi cũng khóc vì nhẹ nhõm, vì chị Noura đã vượt qua thử thách lớn. Thử thách duy nhất trong đời. Bây giờ chị chỉ còn phải chứng minh là chị có khả năng sinh con trai. 
Tôi hy vọng sẽ được như chị. Đó là chuyện bình thường. Thấy chị có chồng, tôi cũng mừng, sau đấy sẽ đến lượt tôi. Lúc ấy, thật lạ lùng, thậm chí tôi không nghĩ đến chị Kainat, như thể người chị lớn hơn tôi một tuổi ấy, không đáng đếm xỉa. Tuy nhiên trên thực tế chị phải đi lấy chồng trước rồi mới đến lượt tôi. 
Rồi chúng tôi về nhà, dọn dẹp sân chung. Gia đình cô dâu phải rửa bát đĩa, quét sân cho thật sạch và làm nhiều công việc khác. Thỉnh thoảng các nhà hàng xóm cũng đến giúp một tay nhưng họ không nhất thiết phải làm vậy. 
Kể từ dạo đi lấy chồng, chị Noura ít khi về nhà. Vả lại cũng không có lý do gì để về vì chị phải chăm sóc gia đình của chị. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau ngày cưới, khoảng chưa đầy một tháng, chị về nhà kêu ca với mẹ tôi và chị khóc. Biết mình không có quyền hỏi chuyện gì đã xảy ra nên tôi đứng rình đầu cầu thang nghe ngóng. 
Chị cho mẹ tôi xem những vết thâm tím trên người. Hussein mạnh tay đến nỗi trên mặt chị cũng có vết tích của trận đòn. Chị kéo quần cho mẹ tôi trông thấy những vết bầm tím trên đùi và mẹ tôi bật khóc. Có lẽ anh ta đã túm tóc và lôi chị xềnh xệch trên mặt đất, tất cả đàn ông đều làm thế. Nhưng tôi không nghe rõ lý do tại sao Hussein đánh chị. Nhiều khi chỉ cần người vợ nấu nướng vụng về, chỉ cần quên nêm muối vào món ăn, chỉ cần thiếu nước sốt vì quên đổ thêm một ít nước ….là đã đủ để bị ăn đòn. Noura chỉ kêu với mẹ tôi vì biết cha tôi rất nóng tính, ông sẽ để chị về ngay mà không để chị kịp nói một lời nào. Mẹ tôi nghe chị kể lể nhưng không an ủi, bà chỉ nói với chị: “Nó là chồng mày, không có chuyện gì nghiêm trọng đâu, mày về nhà mày đi”. 
Thế là chị Noura quay về. Đau đòn lại bị đòn đau. Chị quay về nhà chồng để rồi lại bị chồng cầm gậy sửa thêm một trận nữa. 
Đã là phụ nữ thì không có quyền chọn lựa. Lỡ bị chồng bóp cổ cũng đành chịu chứ người ta không có quyền lựa chọn. Nhìn thấy chị tôi trong hoàn cảnh ấy, lẽ ra tôi phải tự nhủ rằng đi lấy chồng cũng chẳng hơn được gì, cũng sẽ tiếp tục bị đánh đập như trước mà thôi. Nhưng ngay cả khi biết mình sẽ bị đánh, tôi vẫn muốn được lấy chồng hơn bất cứ thứ gì trên đời. Số phận của người phụ nữ Ả Rập kể cũng kỳ lạ. Đặc biệt là số phận của người phụ nữ trong làng tôi. Chúng tôi chấp nhận số phận ấy một cách rất tự nhiên. Không có một ý nghĩ phản kháng nào. Ngay đến phản kháng là gì chúng tôi cũng không biết. Chúng tôi chỉ biết khóc, lánh đi chỗ khác, nếu cần thì nói dối để khỏi bị đòn, nhưng phản kháng thì không bao giờ. Bởi một lẽ đơn giản, ngoài ngôi nhà của người cha và người chồng, chúng tôi không còn nơi nào khác để sống. Sống một mình là chuyện không ai dám nghĩ đến. 
Hussein thậm chí cũng không đến tìm vợ. Thực ra chị Noura cũng không ở lại lâu, mẹ tôi rất sợ con gái lại trở về nhà mình! Sau này, khi Noura có thai và mọi người đều hy vọng chị đẻ con trai thì chị được cả nhà chồng, cả nhà chồng và nhà tôi chăm sóc yêu thương như một nàng công chúa. Nhiều lúc tôi cảm thấy ghen tỵ . Trong gia đình, chị được xem là quan trọng hơn tôi. Trước kia, khi chưa lấy chồng chị vẫn được nói chuyện nhiều với mẹ tôi, và sau khi lấy chồng rồi, mẹ tôi lại còn tỏ ra thân thiết với chị hơn nữa. Những hôm cùng đi lấy cỏ khô, hai mẹ con đi rất chậm vì mải nói chuyện nhiều. Họ cùng nhau vào một gian phòng và đóng cửa lại, cánh cửa phòng màu xanh lục, tôi còn nhớ, và tôi đã đi ngang qua gian phòng đó. Tôi bị bỏ lại một mình, chỉ vì chị tôi đang ở với mẹ tôi đằng sau cánh cửa ấy để được nhổ lông. Gian phòng còn được dùng chứa lúa mì, ôliu và bột. 
Tôi không biết tại sao cánh cửa đó lại đột ngột trở về trong ký ức tôi. Tôi vẫn thường xuyên bước qua cánh cửa ấy, gần như là mỗi ngày với những cái bao. Đã có một chuyện gì đáng sợ xảy ra phía sau cánh cửa, cửa, nhưng là chuyện gì? Hình như tôi đã sợ quá nên trốn giữa những cái bao. Tôi thấy mình giống một con khỉ, lom khom quỳ trong bóng tối. Gian phòng ấy không có nhiều ánh sáng. Tôi trốn ở đấy, trán tì xuống đất. Sàn nhà lát bằng những viên gạch màu nâu, gạch vuông nhỏ màu nâu. Giữa các viên gạch cha tôi đổ sơn màu trắng. Tôi sợ một điều gì đó. Tôi nhìn thấy một cái bao trùm kín đầu mẹ tôi. Chính cha tôi đã đặt cái bao ấy lên đầu mẹ. Ngay tại đấy hay nơi nào khác? Có phải để trừng phạt mẹ tôi không? Có phải để siết cổ bà? Tôi không kêu to lên được. Dù sao chăng nữa, đó cũng chính là cha tôi, ông đứng đằng sau mẹ tôi và túm cái bao thật chặt. Tôi thấy khuôn mặt ông nhìn nghiêng, cái mũi chạm vào làn vải. Một tay ông túm tóc mẹ tôi, và tay kia ông túm chặt cái bao. 
Mẹ tôi mặc bộ quần áo màu đen. Mấy tiếng trước đó, có lẽ đã xảy ra chuyện gì chăng? Nhưng chuyện gì kia chứ? Chị Noura đã về nhà vì chị bị chồng đánh. Mẹ tôi đã nghe chị kể chuyện, chẳng lẽ mẹ tôi lại không được phép ái ngại cho con gái? Mẹ không được khóc hay không được tìm cách bênh vực chị Noura trước mặt cha tôi? Tôi thấy hình như các sự kiện bắt đầu được liên kết với nhau từ cánh cửa màu xanh lục ấy. Chuyến về thăm nhà của chị tôi, việc tôi trốn giữa những bao lúa mì đầy ắp, việc mẹ tôi bị cha tôi làm cho ngạt thở bằng một cái bao rỗng. Tôi phải chui vào đấy để trốn. Tôi có thói quen đi trốn. Trốn trong chuồng gia súc, trong phòng ngủ hoặc trong cái tủ ngoài hành lang, chỗ vẫn treo những tấm da cừu trước khi đem ra chợ bán. Da cừu được treo như người ta vẫn treo ngoài chợ và tôi trốn trong ấy, dù trong ấy rất ngột ngạt nhưng tôi vẫn trốn để không bị tóm. Nhưng tôi ít khi trốn giữa những bao lúa mì trong nhà kho, tôi rất sợ có rắn từ trong ấy bò ra. Nếu tôi trốn ở đấy nghĩa là tôi sợ có chuyện chẳng lành xảy đến với tôi. 
Có thể đó là hôm cha tôi cố làm tôi ngạt thở với một tấm da cừu trong một gian phòng ở trên gác. Ông muốn tôi nói sự thật, muốn tôi nói là mẹ tôi đã lừa dối ông hay không. Ông đã gấp miếng da cừu làm đôi và chụp lên đầu tôi. Tôi thà chết chứ không phản bội mẹ. Ngay cả khi chính mắt tôi nhìn thấy mẹ tôi cùng một người đàn ông trốn vào trong cánh đồng. Nếu tôi nói ra sự thật, ông sẽ giết cả hai chúng tôi. Dù có bị dao kề vào cổ tôi cũng không thể phản bội. Rồi tôi không thở được nữa. Có phải ông đã buông tôi ra hay tôi tự thoát được? Dù sao chăng nữa, tôi cũng đã chạy thoát xuống tầng dưới, trốn sau cánh cửa màu xanh lục. giữa những cái bao bất động trông như những con quái vật. Trong gian phòng gần như tối đen ấy, chúng luôn làm tôi sợ. Tôi nằm mơ thấy bao đêm, cha tôi bỏ hết lúa mì và cho đầy rắn vào trong cái bao! 
Đấy, thỉnh thoảng những mảnh đời trước kia của tôi đã tìm cách trở về vị trí cũ của chúng trong ký ức của tôi. Một cánh cửa màu xanh lục, một cái bao, cha tôi làm mẹ tôi ngạt thở hoặc làm tôi ngạt thở để buộc tôi nói sự thật, nỗi sợ của tôi khi ngồi trong bóng tối và những con rắn. 
Cách đây không lâu, khi tôi cho rác vào một túi rác to, một mẩu giấy gói bằng nhựa đã vướng ở phía trên, rồi nó từ từ rơi xuống đáy bao và phát ra một tiếng động lạ. Tôi giật nảy mình, tưởng như có một con rắn sắp sửa từ trong bao rác phóng ra. Tôi sợ đến bủn rủn và đã bật khóc như một đứa trẻ. 
Cha tôi biết cách giết rắn. Ông có một cây gậy đặc biệt có hai móc ở đầu. Ông kẹp con rắn giữa hai cái móc khiến nó không nhúc nhíc được rồi lấy cây gậy đập chết. Vì ông có thể khiến con rắn nằm yên rồi giết chết thì tất nhiên ông cũng có thể bỏ con rắn vào bao để chúng cắn tôi khi tôi thò tay vào bao lấy bột. Đấy là lý do vì sao tôi sợ cánh cửa màu xanh, cánh cửa đã từng làm tôi say mê vì tôi không được bước vào những khi mẹ tôi nhổ lông cho chị tôi trong ấy. Và vì tôi vẫn chưa được người đàn ông nào chính thức đến cầu hôn. 
Tuy nhiên, những lời đồn đại đã lọt đến tai tôi năm tôi chỉ mới mười hai, mười ba tuổi… Có một gia đình đã nói chuyện chính thức với cha mẹ tôi về tôi. Ở một nơi nào đó trong làng, có một người đàn ông dành sẵn cho tôi. Nhưng cần phải đợi. Xong lượt chị Kainat mới đến lượt tôi.

 

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ...
Trang Chủ
hayqua Trang chủ
On: crack
Today: 1
Vietnam Backlinks