watch sexy videos at nza-vids!

wap tai game


Thế Giới Giải Trí

Bị Thiêu Sống

Chương 3: HANAN?

    Luôn tồn tại nỗi sợ về cái chết và cánh cổng sắt khép chặt cuộc đời của những đứa con gái được sống nhưng lúc nào cũng phải ngoan ngoãn phục tùng. Em trai tôi Assad, được đến trường với chiếc cặp da. Em trai tôi, Assad được cưỡi ngựa và đi dạo. Em trai tôi, Assad không ngồi ăn cùng chúng tôi. Nó trưởng thành đúng theo cách trưởng thành của một người đàn ông, tự do và kiêu hãnh, được bọn con gái trong nhà phục tùng như một ông hoàng. Tôi yêu mến nó như yêu một ông hoàng. Lúc nó còn bé, tôi đun nước tắm cho nó, tôi gội đầu cho nó, tôi chăm sóc cho nó như một kho tàng vô giá. Tôi không biết gì về cuộc sống bên ngoài gia đình của nó, tôi cũng không biết về những cái nó học được ở ngôi trường ấy cùng những điều nó thấy và làm ở thành phố. Chúng tôi đợi cho đến khi nó đi lấy vợ: ngoài việc sinh được một đứa con trai thì đám cưới là việc hệ trọng nhất trong một gia đình. 
Assad rất khôi ngô. Khi nó còn là một đứa trẻ, tôi và nó rất thân thiết, thân thiết hết mức so với quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Chỉ hơn nó một tuổi mà lại sinh ngay trước nó nên trong một thời gian, tôi có may mắn được ở bên nó nhiều. Tôi không nhớ mình có được chơi đùa với nó như bọn trẻ con ở Châu Âu cỡ tuổi ấy chơi đùa với nhau hay không. Đến năm mười bốn, mười lăm tuổi, nó trở thành một người đàn ông và nó đã rời xa tôi. Tôi chắc là nó lấy vợ rất sớm, có lẽ vào năm mười bảy tuổi. Rồi nó trở nên hung bạo. Cha tôi ghét nó lắm. Tôi không biết lý do tại sao ông lại ghét nó đến thế… Có lẽ vì nó giống ông quá. Ông sợ bị đứa con trai đã trưởng thành chiếm đoạt quyền hành. Tôi không hiểu do đâu hai cha con lại tỏ ra giận dữ với nhau như vậy, nhưng một hôm tôi trông thấy cha tôi lấy một cái sọt, đổ tất cả những thứ đựng trong sọt ra rồi cho đầy đá vào. Sau đó ông bê cái sọt lên sân thượng và ném đá xuống đầu Assad như thể muốn giết chết nó. 
Sau đám cưới vợ chồng Assad vẫn sống cùng cả gia đình. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng tính hung bạo của những người đàn ông trong làng tôi đã bắt nguồn từ xa xưa. Cái tính hung bạo ấy được truyền từ đời cha cho con trai rồi đến lượt người con trai truyền cho các thế hệ kế tiếp. 
Từ hai mươi năm nay tôi chưa một lần được gặp lại gia đình mình nhưng nếu có một phép lạ cho tôi gặp lại em trai tôi, tôi sẽ hỏi nó một câu duy nhất: “Đứa em gái mất tích, đứa em gái mà chị gọi tên là Hanan ấy, nó đâu rồi?” 
Hanan…Tôi nhớ nó có màu da nâu sậm. Nó rất xinh, xinh hơn tôi với mái tóc dày và cũng “chín” hơn về thể chất. Tôi còn nhớ là chị Kainat dịu dàng dễ mến và hơi béo, còn Hanan thì tính tình khác hẳn, hơi nóng nảy và bướng bỉnh hơn chúng tôi. Cặp lông mày mọc rậm, hai đầu mày gần như chạm vào nhau. Nó không béo nhưng người ta cảm thấy sau này nó có thể là một cô gái khoẻ khoắn và tròn trịa. Hanan không mảnh khảnh như tôi. Những lần đi giúp chúng tôi nhặt ôliu, nó làm việc chậm chạp, di chuyển cũng chậm chạp. Đó không phải là thói quen trong gia đình chúng tôi: chúng tôi bước đi nhanh, chúng tôi làm việc nhanh, chúng tôi gần như chạy để nghe kịp sai bảo. Hanan không được hoạt bát cho lắm, lại hay mơ mộng và không bao giờ để tâm đến người lớn dặn dò. Khi đi thu hoạch ôliu chẳng hạn, trong khi tôi đau hết mấy ngón tay để nhặt đầy cả chậu thì đáy chậu của nó vẫn còn chưa kín. Thành thử tôi phải quay lại nhặt giúp nó. Chứ nếu để nó lẹt đẹt mãi phía sau thì nhất định nó sẽ gặp rắc rối với cha tôi. Tôi còn nhớ mỗi lần quay lại tôi vẫn thấy Hanan còn loay hoay ở đằng sau, cử chỉ chậm chạp như đoạn phim quay chậm. Nó thực sự rất khác biệt, và tôi nhớ hồi ấy tôi không trò chuyện với nó hay đặc biệt quan tâm đến nó, trừ những lần thấy cần phải giúp nó nhặt ôliu, hoặc tết mớ tóc dày của nó thành cái bím to như tôi đã bảo nó phải làm cho tôi. Không bao giờ tôi trông thấy nó đứng trong chuồng cừu với chúng tôi hay trông thấy nó vắt sữa bó hoặc xén lông cừu…Nó chỉ loanh quanh trong bếp giúp mẹ tôi. Có lẽ vì thế mà hình ảnh của nó hầu như biến mất trong ký ức tôi mặc dù tôi đã đếm đi đếm lại, cố sắp xếp theo thứ tự được sinh ra: Noura, Kainat, Souad, Assad, và…? Đứa em gái thứ tư của tôi không còn tồn tại nữa, đến tên nó tôi cũng quên. Nhiều lúc tôi cũng không biết trong chị em chúng tôi đứa nào đã được sinh ra trước đứa nào. Về phần chị Noura thì tôi chắc rồi, về phần thằng Assad cũng thế nhưng chị Kainat thì ngay cả bây giờ tôi vẫn còn lẫn lộn không sao phân biệt được giữa chị và tôi. Còn về đứa em mà tôi thường gọi bằng cái tên Hanan thì điều khổ tâm nhất của tôi là từ nhiều năm nay hình như toi không còn tự đặt câu hỏi về sự mất tích của nó nữa. 
Tôi đã hoàn toàn “quên” nó, tựa như một cánh cổng sắt đã khép lại, che mất hình ảnh đứa em gái máu mủ đó khiến ký ức vốn đã mơ hồ của tôi không còn lưu giữ gì nhiều về nó. 
Tuy nhiên cách đây không lâu, một hình ảnh, một cảnh tượng ghê sợ đã ập đến trong tâm trí tôi. Trong một cuộc họp của hội phụ nữ, có người cho tôi xem bức ảnh chụp một cô gái đã chết, nằm dài trên mặt đất, cổ bị siết bằng một sợi dây màu đen, một sợi dây điện thoại. Tôi có cảm giác trước đây mình đã có lần nhìn thấy một hình ảnh tương tự như vậy. Bức ảnh khiến tôi bàng hoàng không phải chỉ vì cô gái đáng thương ấy mà còn vì tôi cố mò mẫm như đang đi trong sương mù để “thấy” một cái gì đó liên quan đến tôi. Và ngày hôm sau, kì lạ thay, ký ức của tôi bỗng nhiên bừng tỉnh. Tôi đã có mặt ở đó! Tôi đã trông thấy! Tôi đã biết đứa em gái Hanan chết khi nào! 
Từ đó tôi sống với cơn ác mộng ấy trong đầu và rồi phát ốm vì nó. Từng kỉ niệm chính xác, từng phân cảnh cuộc đời đã qua của tôi cứ như tình cờ ùa về làm tôi khổ sở đến phát bệnh. Tôi muốn quên hoàn toàn tất cả những chuyện khủng khiếp ấy đi và trong hơn hai mươi năm qua tôi đã làm được, dù chỉ là vô thức. Nhưng nếu muốn làm một nhân chứng để nói về cuộc đời tôi đã trải qua trên đất nước tôi, từ lúc còn là một bé gái thơ dại đến lúc trở thành đàn bà, tôi bắt buộc phải ngụp lặn trong tâm trí mình như lặn sâu xuống đáy của chiếc giếng ngày xưa đã từng làm tôi khiếp đảm. Và bây giờ, tất cả những mảnh vụn của quá khứ đang tranh nhau nổi lên mặt nước dường như có vẻ quá kinh khủng đến nỗi tôi thấy khó mà tin được. Nhiều lúc tôi bất giác buột miệng: “Có thật những điều đó đã xảy ra trong cuộc đời mình không?” 
Tôi đã trải qua những điều đó và tôi đã sống sót. Nhiều phụ nữ khác trên thế giới đã sống qua những cảnh ngộ ấy và hiện giờ có lẽ vẫn đang phải sống như vậy. Tôi rất muốn quên, nhưng những phụ nữ may mắn được thoát chết để có thể nói lên sự thật lại quá ít, thành ra tôi thấy mình có nghĩa vụ phải đứng ra làm một chứng nhân và một lần nữa làm sống lại những cơn ác mộng ấy. 
Tôi ở trong nhà và nghe có tiếng kêu thét, rồi tôi trông thấy Hanan ngồi dưới đất, tay chân giãy đạp loạn xạ, còn Assad đang giang rộng cánh tay và cúi lom khom trên người con bé. Nó đang siết cổ Hanan bằng sợi dây điện thoại. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh này như vừa được nhìn thấy hôm qua. Tôi dán người sát vào tường như thể muốn chui luôn vào đó và biến mất trong đó. Lúc ấy có cả hai đứa em gái cùng cha khác mẹ. Tôi đứng chắn trước mặt chúng để che chở cho chúng. Tôi giữ chặt tóc chúng để chúng đứng yên. Có lẽ Assad đã nhìn thấy chúng tôi hoặc nghe tiếng chân tôi , nó hét: “Rouhi! Rouhi! Xéo đi! Xéo ngay!” 
Tôi kéo hai đứa em chạy về phía cầu thang xi măng dẫn về phòng ngủ. Một trong hai đứa sợ đến nỗi bị ngã sái chân nhưng tôi vẫn bắt nó phải tiếp tục chạy, không được ngừng. Toàn thân tôi run bần bật. Vào trong phòng, tôi cài chặt cửa và dỗ dành con bé. Tôi cố xoa bóp để đầu gối nó đỡ đau và cả ba chị em ngồi im trong phòng thật lâu, không dám gây ra bất cứ tiếng động nào. Tôi không thể làm được gì, hoàn toàn không thể làm được gì, hoàn toàn không thể làm được gì ngoài việc giữ im lặng trước cảnh tượng ghê rợn vừa rồi. 
Em trai tôi đã siết cổ em gái tôi…Lúc ấy có lẽ Hanan đang nói chuyện điện thoại thì thằng Assad bất ngờ từ đằng sau tiến đến siết cổ nó…Hanan đã chết, tôi chắc chắn rằng nó đã chết. 
Hôm ấy Hanan mặc quần ống phồng màu trắng với áo sơ mi dài đến đầù gối. Đi chân đất. Tôi thấy con Hanan quẫy đạp hai chân, tôi thấy nó vung hai tay đánh vào mặt thằng Assad trong lúc thằng Assad hét: “Xéo đi! Xéo ngay!” 
Chiếc điện thoại màu đen, hình như thế. Điện thoại được đặt dưới đất trong gian phòng chính với sợi dây rất dài. Lúc ấy chắc Hanan đang gọi điện thoại nhưng tôi không biết nó gọi ai và tại sao lại gọi. Tôi không biết mình đang làm gì trước khi xảy ra chuyện đó, cũng không biết mình đang ở đâu, cũng không biết về phần Hanan, đã làm những gì, nhưng theo như tôi biết, trong cách cư xử của nó không có gì sai trái đến mức Assad muốn siết cổ nó. Tôi thực không hiểu việc gì đã xảy ra. 
Tôi ngồi im trong phòng với hai con bé cho đến lúc mẹ tôi về. Bà đã đi ra ngoài cùng với cha tôi. Chỉ có mình Assad ở nhà với chúng tôi. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu xem tại sao hôm ấy trong nhà lại không có một ai khác ngoài Assad và chúng tôi. Rồi sau đó, những tình tiết dần được liên kết với nhau. 
Hôm ấy cha mẹ tôi đi thăm vợ Assad tại nhà bố mẹ cô này. Cô đang có thai và bị Assad đánh đập nên trốn về nhà cha mẹ đẻ. Đó là lý do tại sao Assad ở nhà một mình với chúng tôi. Và nó đang giận điên lên, giống như những người đàn ông khác khi phải chịu điều sỉ nhục này. Như thường lệ, tôi chỉ có những mẩu thông tin vụn vặt về chuyện xày ra trong nhà. Mỗi khi có rắc rối, bọn con gái không được phép tham dự vào cuộc họp gia đình. Bọn con gái không được phép đến gần. Sau này tôi mới biết cô em dâu bị sẩy thai và tôi đoán bố mẹ cô ấy đã đổ hết trách nhiệm lên đầu Assad. Nhưng hôm ấy, hai sự việc lại chẳng liên quan gì đến nhau. Hanan gọi điện thoại để làm gì? Rất hiếm khi chúng tôi dùng đến điện thoại. Chính tôi, tôi cũng chỉ dùng nó hai hay ba lần để nói chuyện với chị cả, với dì tôi hoặc với vợ Assad. Nên Hanan gọi điện cho ai thì nhất định người ấy phải là người trong gia đình.
Chiếc điện thoại ấy đã ở trong nhà tôi từ khi nào? Dạo ấy, trong làng chẳng mấy nhà có điện thoại… Cha tôi đã mua nhiều thiết bị hiện đại cho ngôi nhà. Chúng tôi có phòng tắm với bình nóng lạnh và dĩ nhiên có cả điện thoại…. 
Khi cha mẹ tôi về đến nhà, tôi biết mẹ đã nói chuyện với Assad. Tôi trông thấy bà khóc nhưng bây giờ thì tôi biết là bà chỉ giả vờ khóc. Lúc này tôi đã thực tế hơn, và tôi hiểu mọi việc trên đất nước tôi xảy ra như thế nào. Tôi biết tại sao người ta lại giết con gái. Tôi biết diễn biến sự việc ấy ra sao. Một cuộc họp gia đình ra quyết định và đến ngày định mệnh cả cha lẫn mẹ đều phải đi vắng. Ở nhà chỉ có đứa con gái và kẻ đã được gia đình chỉ định để ra tay. 
Mẹ tôi không thực sự khóc. Bà không khóc! Đó chỉ là một màn kịch. Chắc chắn bà biết rõ tại sao Assad siết cổ em gái tôi. Nếu không biết thì tại sao đúng ngày hôm ấy mẹ, cha và chị Noura đều đi vắng? Tại sao lại để chúng tôi ở nhà một mình với Assad? Điều mà tôi không được biết đó là lý do tại sao Hanan bị kết án. Có lẽ nó đã phạm tội lỗi nào đó mà tôi không biết đó là tội gì. Đi ra ngoài một mình chăng? Hay có ai trông thấy nó nói chuyện với một người đàn ông? Hay một hàng xóm đã mách tội nó? Chỉ cần một việc còn con cũng đủ làm nó trở thành một charmuta, rằng nó đã làm nhục gia đình, và nó phải chết để bảo toàn danh dự không những cho cha, cho mẹ, em trai mà còn cho cả làng nữa! 
Tuy kém tuổi hơn tôi nhưng Hanan lại “chín chắn” hơn tôi. Có lẽ nó đã phạm một lỗi bất cẩn nào đó mà tôi không biết. Bọn con gái không hay đem chuyện thầm kín nói cho nhau nghe. Chúng rất sợ nói ra, dù là nói với chị em ruột. Điều này tôi biết rất rõ vì chính tôi cũng không dám nói cho ai biết tâm sự của mình…. 
Tôi rất yêu quý em trai tôi. Tất cả chị em chúng tôi đều yêu nó vì nó là người đàn ông duy nhất trong gia đình. Sau cha tôi, nó là người duy nhất có thể che chở cho chúng tôi. Nếu không may cha tôi chết đi thì nó sẽ thay ông lèo lái cả gia đình, nếu đến lượt nó cũng chết, nếu trong nhà chỉ còn đàn bà con gái thì gia đình sẽ tiêu vong. Lúc ấy sẽ chẳng còn cừu, chẳng còn ruộng vườn, sẽ chẳng còn gì cả. Điều tồi tệ nhất của một gia đình là mất đi người anh hoặc em trai duy nhất. Làm sao sống được nếu trong nhà không có đàn ông? Chính đàn ông là người đề ra luật lệ bảo vệ chúng tôi, chính con trai là người thay thế người bố và gả chồng cho các chị em gái. 
Assad cũng hung bạo như cha tôi. Nó là “kẻ giết người”, nhưng ở đất nước tôi, khi giết một đứa con gái thì ba từ này chẳng có ý nghĩa gì hết. Người anh em ruột, anh em rể, hoặc bất cứ người bác, người chú, đều có thể thực hiện nhiệm vụ bảo toàn danh dự cho gia đình. Họ có quyền quyết định mạng sống của đàn bà con gái trong nhà. Nếu cha hoặc mẹ bảo anh con trai: “Em gái mày đã phạm tội, mày phải giết nó…” thì anh ta sẽ làm ngay để bảo toàn danh dự gia đình, đó là luật. 
Assad là đứa em chúng tôi rất thương yêu. Có lần nó bị ngã ngựa–nó rất thích cưỡi ngựa đi dạo. Con ngựa bị trượt chân và nó ngã. Chúng tôi khóc rất nhiều, tôi vẫn nhớ như in. Vừa khóc tôi vừa xé áo và bứt tóc. Cũng may là cú ngã không nặng lắm và chúng tôi đã chăm sóc nó. Trái lại, khi cha tôi ngã gãy chân thì chúng tôi vui mừng đến độ tưởng chừng có thể ôm nhau nhảy múa. Và ngay đến bây giờ, tôi vẫn không tưởng tượng nổi Assad là một thằng giết người. Cảnh tượng em gái tôi bị siết cổ đến chết thật là một cơn ác mộng, nhưng lúc bấy giờ tôi không thể giận thằng Assad. Việc nó đã làm là một chuyện bình thường, nó phải chấp nhận làm việc ấy vì nghĩa vụ, bởi đó là việc cần thiết cho gia đình. Vả lại tôi rất yêu thương nó. 
Tôi không biết sau đấy người ta làm gì với xác của Hanan, chỉ biết rằng nó biến mất hoàn toàn. Tôi đã quên nó. Tôi cũng không hiểu rõ lý do tại sao. Hồi ấy, sau nỗi sợ hãi chắc chắn còn có lô–gic sống của cuộc đời, còn có phong tục tập quán, luật lệ, tất cả những gì buộc chúng tôi phải chịu đựng những chuyện đó “một cách bình thường”. Những chuyện như thế chỉ được xem là khủng khiếp, là tội ác ở nơi khác, ở các nước phương Tây, ở những nước mà nền tảng luật pháp có sự khác biệt. Chính tôi, hồi đó tôi cũng tưởng mình sẽ phải chết và việc được cứu sống nhờ phép lạ sau khi bị thứ luật lệ quen thuộc kia tuyên án tử hình, đã làm đầu óc tôi bị xáo trộn trong một thời gian dài. Bây giờ tôi đoán có lẽ hồi ấy tôi bị sốc và những gì mà chính tôi đã trải nghiệm càng làm trầm trọng thêm cú sốc ấy, đến mức tôi không thể nhớ được một vài sự kiện. Chính một bác sĩ chuyên khoa tâm thần đã nói với tôi như thế. 
Vậy là tôi đã biết tại sao Hanan biến mất khỏi cuộc đời và ký ức của tôi. Có thể nó đã được chôn cùng với những bé gái sơ sinh khác. Có thể nó đã bị đốt thành tro, vùi dưới một bờ đất dốc hay trong một cánh đồng. Cũng có thể người ta quẳng xác nó cho chó? Tôi không biết. Mỗi khi kể về quãng đời trước đây của tôi ở ngôi làng cũ, tôi thấy rõ qua ánh mắt của mọi người một điều rằng họ rất khó có thể hiểu được. Họ hỏi tôi nhiều câu hỏi mà họ cho là lôgic: “Thế cảnh sát có đến không?”, “Mất tích như thế sao chẳng có ai thắc mắc gì?”, “Những người trong làng nói sao?” 
Đời tôi chưa bao giờ thấy một viên cảnh sát nào. Chuyện một người đàn bà mất tích chẳng có nghĩa lí gì. Người trong làng đều nhất loạt tán thành những luật lệ của cánh đàn ông. Gia đình nào không chịu giết đứa con gái đã làm nhục gia môn sẽ bị cả làng lánh xa, không ai muốn nói chuyện hay giao dịch, làm ăn với gia đình đó. Gia đình ấy chỉ có cách bỏ nhà đi nơi khác! Vậy nên… 
Đứng từ góc độ của tôi hiện nay mà nhìn lại sẽ thấy số phận em gái tôi tồi tệ hơn tôi rất nhiều, Nhưng nó lại có cái may mắn là nó đã chết. Như thế ít ra nó không phải chịu đau khổ nữa. 
Những tiếng kêu thét của Hanan tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai. Nó đã kêu thét rất to! Suốt thời gian dài, tôi và chị Kainat vẫn còn lo sợ cho số phận của chính mình. Mỗi lần nhìn thấy cha tôi, em trai tôi hay anh rể tôi, chồng chị Noura, chúng tôi lại cảm thấy lo sợ điều gì đó sẽ xảy ra cho chúng tôi. Nhiều khi chúng tôi sợ đến mức không ngủ được. Ban đêm, tôi thường giật mình tỉnh giấc. Tôi cảm thấy có một mối đe doạ thường trực. Assad lúc nào cũng giận dữ và hung bạo. Nó không được phép đi gặp vợ: cô ta bị nó đánh đập mãi nên vừa ra khỏi bệnh viện là quay thẳng về nhà bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, cô ta vẫn phải trở lại sống với nó, luật là như vậy. Cô ta đẻ cho nó mấy đứa con khác, cũng may toàn con trai. Chúng tôi rất tự hào về Assad, vẫn thương yêu nó rất nhiều mặc dù nó làm chúng tôi sợ. Có một điều mà tôi không hiểu là tại sao càng thương yêu Assad tôi càng căm ghét cha tôi bấy nhiêu. Suy cho cùng hai người ấy chẳng khác nhau… 
Nếu tôi vẫn ở lại làng, nếu tôi lấy chồng và sinh toàn con gái, một ngày nào đó Assad được giao nhiệm vụ siết cổ một trong những đứa con gái của tôi, có lẽ tôi cũng sẽ làm như những người phụ nữ khác, tôi sẽ cam chịu mà không hề phản kháng. Ở đây, nghĩ và nói như thế là chuyện không thể chấp nhận được, nhưng ở làng tôi là như vậy. 
Giờ đây mọi chuyện đã khác bởi đối với làng tôi, tôi đã chết, và bởi vì tôi được sinh ra lần thứ hai trên đất châu Âu. Vì thế trong tâm trí tôi có những ý nghĩ khác xuất hiện. 
Nhưng tôi vẫn thương yêu em trai tôi. Tình cảm đó như thể rễ cây ôliu, không sao nhổ đi được, ngay cả khi cây đã bị đổ.

 


1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ...
Trang Chủ
hayqua Trang chủ
On: crack
Today: 1
Vietnam Backlinks