Bà Huyện Xuân trở về xóm cũ, mà đã hơn hai mươi lăm năm bà không về, khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Nhưng sửng sốt nhất có lẽ là bà Tư Trầu ở cạnh đình làng. Bà cứ nhìn vị khách sang trọng vừa bước vô cửa mà tưởng như trong mơ:
- Có phải bây là... con Hai Thắm không?
- Dạ, đúng rồi con là Hai Thắm đây.
Người dẫn đường cho bà vào đây đã phải lên tiếng nhắc:
- Bây giờ cô ấy là bà Huyện, người ta quen gọi là bà Huyện Xuân, chớ đâu còn là Hai Thắm như ngày xưa nữa.
Bà Tư Trầu vẫn quen lối bỗ bã xưa nay:
- Tao đâu có biết nó làm bà nghè ông tưởng gì chỉ nhớ là con Hai Thắm thôi. Mà nhớ được cũng là nhờ cái nốt ruồi con ve trâu trên trái tai kia kìa!
Bà Huyện Xuân đưa tay lên sờ vào nốt ruồi ở gần vành tai, rồi cười:
- Bà Tư nhớ dai thiệt. Trong lúc với mấy người kia con phải nhắc tới đủ thứ họ mới nhớ ra. Gần ba chục năm rồi còn gì...
Cuộc hội ngộ tuy có bất ngờ, nhưng do đã sinh ra và lớn lên đến năm hai mươi tuổi ở xứ này, nên chỉ sau một lúc là nhiều người đã tới thăm và hỏi chuyện thân tình hơn. Bà Huyện Xuân phải lên tiếng:
- Tôi có chút việc muốn hỏi thăm bà Tư, nên xin hẹn với bà con chiều nay hay sáng mai sẽ tới từng nhà thăm. Tôi còn ở lại đây vài hôm nữa.
Khi mọi người tản ra hết, bà Huyện Xuân mới hỏi thẳng:
- Bà Tư còn nhớ cô đào hát Sáu Ngọc không?
Nghe nhắc cái tên đó, bà Tư Trầu giật mình, nhìn trước nhìn sau rồi mới đáp:
- Con nhỏ chết linh lắm!
Bà Huyện Xuân tái xanh mặt:
- Chết khi nào bà nhớ không?
Mọi chuyện như hiển hiện ngay trước mắt bà già tuổi đã trên tám mươi, bà thở đi nói:
- Ngay khi mày đi lấy chồng được vài tháng.
Bất giác bà Huyện Xuân kêu khẽ:
- Thảo nào?
- Mày còn nhớ nó sao? Nó chết cũng bởi vì mày...
Câu nói của bà già càng làm cho sắc mặt bà Huyện Xuân thêm tái xanh:
- Con đâu có ngờ... con tưởng đâu có ấy đã lấy chồng khác rồi...
Bà Tư Trầu thở dài:
- Lấy chống sao được khi mối tình lớn nhứt của nó là thằng Ba Thành đã bị mày giành mất! Nó buồn, nó hận đời nên bận nguyên bộ đồ màu đỏ rồi lao vào dàn trâu cổ khiến lũ trâu hoảng loạn, húc nó chết, thân thể treo lơ lững trên sừng trâu, phải hạ con trâu mới lấy được xác nó!
- Trời ơi, chuyện một cô gái bị trâu chém chết năm đó là Sáu Ngọc sao?
Bà Tư Trầu ứa nước mắt:
- Lúc ấy mày đã theo chồng về làm ở toà bố tỉnh Trà Vinh, nên đâu có rõ vụ ấy. Chính là con Sáu Ngọc đó! Mà cũng lạ, sao mày giựt thằng Ba Thành trong tay con Ngọc, mà sau đó ở đây người ta đồn mày lấy thằng công chức làm ở toà bố tên là Xuân? Có phải rồi mày cũng bỏ thằng Ba Thành không? Sao bỏ dễ quá mà giành giựt chi làm cho con Sáu Ngọc nó mất mạng và thảo nào nghe nói thằng Ba Thành sau đó buồn tình đi làm ăn cướp, giết người...
Điều tiết lộ này khiến bà Huyện Xuân hoảng:
- Bà Tư nói Ba Thành... đi ăn cướp sao?
- Ủa, mày không biết chuyện ấy hả? Nghe nói chính nó đã gây ra mấy vụ cướp lớn ở thị xã Trà Vinh thời mấy chục năm trước! Mà cũng tội cho thằng đó, vốn hiền lành, lại sa vào con đường ấy chỉ vì chữ tình. Vì mày đó, Hai Thắm à!
Bà Huyện Xuân sững sở:
- Ăn cướp, giết người... trời ơi!
Bà Tư Trầu ngạc nhiên:
- Mày sao vậy Thắm?
Bà Huyện Xuân đang nhớ lại cái đêm bọn cướp bịt mặt xông vào nhà ba chồng của bà và một tên đã đưa dao bầu chém thẳng xuống đầu của vợ chồng bà, may nhờ người mà được biết là thầy Hai Hội cứu kịp thời.
Trong lúc bà Huyện Xuân còn thả hồn về quá khứ thì bà Tư Trầu lại nói:
- Nghe nói sau này thằng Ba Thành bị lính bắn chết khi chận đoàn xe chở tiền của nhà nước.
- Trời ơi!
Trước sau gì bà Huyện Xuân cũng chỉ biết kêu trời. Bởi trong lòng bà quá khứ đầy tội lỗi đang sống lại. Cả hai cái chết của hai người tên Sáu Ngọc và Ba Thành đều do bà gây ra cả. Nhất là Ba Thành, sau một thời gian chung sống từ mối tình cướp giật trong tay cô đào hát nghèo Sáu Ngọc, bà đã bỏ rơi người tình để chạy theo người công chức giàu có sau này là ông Huyện Xuân.
- Thôi, nhắc lại chuyện cũ để nhớ thôi, chớ đã lâu quá rồi, mọi thứ đã trở về cát bụi, đâu còn nghĩa lý gì nữa. Mà nè con Hai, mày lại về đây hỏi con Sáu Ngọc làm gì?
Bà Huyện Xuân giọng thễu não:
- Cháu có chuyện này... chẳng hiểu sao từ lâu cháu không thấy cô Sáu Ngọc, mà gần đây đêm nào cháu cũng mơ thấy. Cô ấy khiến cháu mất ăn mất ngủ, cháu định về đây hỏi bà ngày mất của cô ấy để cúng và xin thỉnh cái vong của cổ đưa vô chùa.
Bà Tư Trầu chép miệng:
- Từ ngày chết thảm, con Sáu Ngọc hiển linh và cả làng này ai cũng sợ nó! Do nó chết trên sừng trâu, nên sau này cứ hiện hình trên lưng trâu, xua trâu chạy khắp làng đuổi thiên hạ chạy cong đuôi. Cũng may là nó chưa giết chết ai...
Bà Tư Trầu chợt chùng giọng xuống:
- Mà cũng kỳ lạ lắm, mấy người bị trâu đuổi hầu hết là đàn bà. Mà người nào khi sắp bị trâu húc phải cũng đều nghe một giọng nói kỳ lạ, nghe rất giống giọng của con Sáu Ngọc, nó nói: Không phải!
- Không phải! Rồi tha cho những người bị nó rượt!
Bà Huyện Xuân kinh hãi:
- Con trâu điên! Phải chăng...
Bà nhớ lại bữa xe mình đang đi thì bị hai con trâu lao vào, suýt chết.
- Đúng rồi!
Bà Tư Trầu hỏi lại:
- Mày nói đúng cái gì?
- Dạ... dạ không.
Bà Huyện Xuân tính rút lui, nhưng chợt rùng mình khi nhớ tới chi tiết bà Tư Trầu kể Sáu Ngọc hay hiển linh và đứng trên lưng trâu rượt đuổi mọi người trong làng này, nên bà lo sợ, lưỡng lự... thấy vậy bà Tư Trầu lên tiếng:
- Hay là tối nay mày ngủ lại đây cho vui. Tuy mày với con Sáu Ngọc cháu tao có mối hiềm khích, nhưng tao vẫn coi mày như con cháu trong nhà. Tao mừng gặp lại mày, như từng thấy lại con Sáu Ngọc vậy.
Bà Huyện Xuân cảm động, nhưng trong lòng vẫn không yên. Bà cảm nhận cuộc báo oán của vong hồn Sáu Ngọc như đang cận kề bên mình...
Ở lại đây ngủ thì không thể, nhưng còn về thì... lỡ xảy ra chuyện thì sao?
Còn đang lưỡng lự, bỗng có một bóng người bước vô. Vừa quay lại nhìn, Bà Huyện Xuân đã hết hồn:
- Là... thầy Hai Hội đây sao?
Bà Tư Trầu càng kinh ngạc hơn:
- Anh... anh Hai? Anh là ba con Sáu Ngọc?
Hai Hội giọng từ tốn:
- Chính là tôi. Mấy chục năm rồi tôi mới có dịp tới cám ơn bà về những ngày bà đã cưu mang con Sáu Ngọc, khi nó bỏ nhà theo gánh hát lang bạt đây đó.
Bà Huyện Xuân thất kinh:
- Ông đây là... cha của cô Sáu Ngọc?
Ông chưa kịp trả lời thì bà Tư Trầu đã kêu lên:
- Ông đã... chết từ trước khi con Sáu Ngọc mất lận mà! Phải vậy không?
- Phải!
Câu trả lời gọn lỏn đó làm cho bà Huyện Xuân điếng hốn:
- Thì ra ông là... là...
- Là một hồn ma! Chớ nếu không phải ma thì làm sao mấy lần cứu cô và gia đình được!
Ông quay sang bà Tư Trầu, nói:
- Bữa nay tôi có việc nói riêng với bà Huyện đây, vậy xin phép bà, ngày mai tôi sẽ tới gặp lại.
Ông quay sang bà Huyện Xuân giục:
- Bà ra ngoài tôi cần nói chuyện. Đừng sợ, con Sáu Ngọc sẽ không làm gì khi có tôi bên cạnh, bà cứ yên tâm.
Bà Huyện Xuân sau một lúc lưỡng lự mới dám bước theo ông ra ngoài. Trời tối đen, nên cơn sợ của bà càng tăng thêm. Nhưng ông thầy Hai đã trấn an:
- Hồn ma cũng có nhiều loại thiện, ác giống như loài người. Đúng là oan hồn con Sáu Ngọc nó có hung ác, nó cố theo dấu chân của bà để quyết tâm báo thù, nhưng vẫn còn có tôi, một hồn ma biết thế nào là oán nên cởi chớ không nên buộc, nên bà cứ yên tâm, con Sáu Ngọc không làm hại bà lúc này được đâu.
Đi một lúc, tới trước một ngôi miếu vắng, ông già nói:
- Bà ở đây, rồi tôi cho bà gặp hai đứa nó.
- Dạ, gặp ai?
- Con Sáu Ngọc và thằng Ba Thành!
Bà Huyện Xuân hốt hoảng:
- Ông... ông hại cháu sao?
Ông già giọng nhân từ:
- Ta đã nói rồi, ta là một hồn ma chỉ biết giúp người thôi chớ chưa hại ai bao giờ. Hôm nay ta muốn nhân tiện giải toả mối hằn thù giữa bà và tụi nó. Mấy lần tụi nó tìm cách báo thù bà và cả con gái bà nữa, ta đều xuất hiện kịp thời, ngăn chận được. Tụi nó tuy có tức tối, nhưng cuối cùng cũng nghe lời ta, đồng ý sẽ bỏ qua, với điều kiện...
Ông ngừng nói, đưa mắt nhìn sang bà Huyện Xuân và lát sau lại tiếp:
- Tụi nó muốn bà đích thân xây lại ngôi miếu hoang này, để tụi nó có chốn nương tựa, như vậy coi như bà đã chuộc lỗi rồi.
Bà Huyện Xuân mau mắn:
- Dạ, con xin nghe theo.
Ông già tiếp lời, giọng tình cảm hơn:
- Con Sáu Ngọc là con gái út của tôi. Năm nó lên tám tuổi thì gia đình tôi gặp nạn phá sản và do tôi còn thiếu nợ ông chủ tỉnh một số tiền lớn, nên bị ông
ấy siết nợ, lấy nhà và bỏ tù tôi. Quá uất ức nên tôi tự sát trong nhà lao. Ở nhà vợ con tôi lao đao, khổ sở, con cái tứ tán mỗi đứa một nơi. Con Sáu Ngọc đi theo gánh hát là vì lý do đó...
Bà Huyện Xuân vụt hỏi:
- Bởi đó nên ông mới hại con trai ông tỉnh trưởng để trả thù?
Ông già chùng giọng xuống:
- Không phải tôi làm, mà do thằng Ba Thành. Nó vừa báo thù cho tôi, vừa báo thù bà... qua con gái của bà. Nói thiệt, tôi chậm chân một chút nên cậu Toàn mới chết, chớ tôi không muốn hại ai hết. Nhưng mà thôi, âu cũng là duyên số. Và ít ra bà cũng nên chịu thiệt thòi đôi chút, để từ nay giải toả hết...
Ông ngừng một lúc, rồi tiếp bằng giọng nhẹ nhàng hơn:
Cũng tội nghiệp cho cậu Toàn, con nhà quyền thế mà tánh tình dễ thương, nên tôi đã cho sắp đặt để từ nay cậu ấy vẫn ở bên con gái bà, miễn là cô ấy đừng lấy chồng khác...
Bà Huyện Xuân lo lắng:
- Chắng lẽ đời con gái tôi phải chịu goá bụa suốt hay sao?
Ông già thở dài:
- Đó là một chút đánh đổi mà bà phải nhận. Còn nếu không làm như vậy thì con gái bà sẽ có không dưới sáu đời chồng, lại khổ sở long đong. Tuỳ bà chọn thôi...
Bà Huyện Xuân đành phải gật đầu:
- Dạ, con xin nghe...
° ° °
Có một chuyện rất lạ xảy ra trong nhà Huyện Xuân mà nhiều người thắc mắc, nhưng chẳng ai biết được nguồn cơn, đó là việc cô con gái rượu của họ vĩnh viễn không lấy chồng. Có người không tin chuyện ấy, bảo rằng với nhan sắc như Cẩm Hồng mà chịu ở goá thì có trời mà tin!
Vậy mà nhiều năm sau vẫn chẳng thấy cô ta chồng con gì. Đùng một cái, hai năm sau người ta thấy có hai đứa bé con hơn một tuổi xuất hiện trong nhà. Rồi khi chúng biết đi, biết nói, có dịp bước ra ngoài, ai có hỏi cha chúng là ai thì cả hai đều trả lời không cần suy nghĩ:
- Chúng con là con của ba Toàn.
Gia đình Huyện Xuân cũng chẳng cần giải thích thêm. Họ chấp nhận như vậy.
Phần Cẩm Hồng thì từ đó sống lạc quan, không mấy khi bước ra khỏi nhà vào ban ngày. Chỉ có người trong nhà mới biết, cứ vào nửa đêm thì cô ta sửa soạn, trang điểm thật tươm tất và đẹp lộng lẫy, hỏi để làm gì thì cô đáp trong hạnh phúc:
- Giờ đó anh Toàn mới về.
Mối tình kỳ lạ ấy kéo dài qua năm tháng...
Đến khi ông bà Huyện Xuân qua đời thì người kế nghiệp là Cẩm Hồng. Người ta lại càng quá đỗi ngạc nhiên khi thấy cơ nghiệp nhà đó càng ngày càng phát đạt. Hỏi bí quyết nào giúp cho một cô gái chỉ biết hưởng thụ lại thành công được như vậy thì Cẩm Hồng đáp:
- Nhờ nhà tôi!