watch sexy videos at nza-vids!

wap tai game


Thế Giới Giải Trí

Cung Đàn Huyền Ảo

Phần 1

Nguyệt Thư sôi nổi rủ rê:

- Đi shop thời trang, Tịnh Đoan ơi!

Tịnh Đoan hưởng ứng ngay:

- Đi siêu thị nữa hả?

Thiên Tùng kêu lên:

- Ôi? Chỉ đi thực tập mà mấy bà rủ nhau đi sắm sửa như sắm tết vậy.

Nguyệt Thư vênh mặt hỏi lại:

- Đi thực tập rồi không sắm sửa ăn mặc hả?

Duy Bảo cười hô hố:

- Trời ơi! Không ăn mặc, có mà thiên hạ mù hết.

Tịnh Đoan cất giọng Huế ngọt lịm:

- Đi mô cũng phải lịch sự. Nhất là sinh viên nhạc viện của bọn mình là đại diện cho cái đẹp đó. Biết chưa hỉ?

Duy Bảo gãi đầu trêu Tịnh Đoan:

- Biết rồi, Tịnh Đoan hì.

Thiên Tùng dặn dò:

- Nè, sắm sửa gì cứ sắm nhưng đừng bê cả siêu thị về nghen!

Đến khi các cô đi sắm sửa về thì Thiên Tùng báo tin:

- Quý vị hay gì chưa? Bọn mình không có thực tập ở thành phố đâu.

Nguyệt Thư hỏi nhanh:

- Vậy thực tập ở đâu.

- Nhạc viện Tây Nguyên…

Nguyệt Thư ngạc nhiên:

- Đi lên Tiếng chày trên sóc Bombo đó hả?

Thiên Tùng hóm hỉnh:

- Đi gặp già làng ở nhà rông và uống rượu cần.

Tố Mẫn than thở:

- Tự nhiên lại đi thực tập ở nhạc viện Tây Nguyên hà.

Các cô sinh viên thở dài ngao ngán.

Duy Bảo chọc ghẹo:

- Lên Tây Nguyên quấn xà rông, vận khố, mặc áo thổ cẩm, mấy bà dẹp đầm, váy hoa, váy xoè ở nhà đi nhé. Hì... hì…

Tịnh Đoan sáng suốt:

- Mang theo để biểu diễn.

Biết đi thực tập ở nhạc viện cổ Tây Nguyên, cả nhóm ỉu xìu, nhưng Nguyệt Thư an ủi:

- Xem như chúng ta đi du lịch vậy.

Một người đàn ông chững chạc bước vào lớp:

- Chào các em! Tôi là Việt Thái được nhà trường phân công hướng dẫn các em thực tập ở nhạc viện cổ Tây Nguyên. Chúng ta làm quen nhé!

Ông thầy hướng dẫn lạ hoắc là người Việt gốc Thái mới ở Thái Lan về. Thầy là một nhạc sĩ tài hoa, giảng dạy bên ấy.

Thầy Việt Thái vừa có vẻ sang trọng lịch lãm vừa mang phong thái một nghệ sĩ phóng khoáng hào hoa.

Chuyến xe đưa nhóm sinh viên thực tập lên Tây Nguyên cùng thầy Việt Thái bắt đầu lăn bánh.

Thầy Việt Thái tích cực lo sinh viên từ nước uống đến thuốc chống ói, khiến ai nấy đều rất quý mến.

Không khí trên xe rất vui tươi phấn khởi, nhóm sinh viên bắt đầu ca hát.

Những bài ca trữ tình vang lên êm ái.

Thiên Tùng cầm đàn ghita đệm cho Nguyệt Thư, Tố Mẫn hát.

Thầy Việt Thái bảo:

- Các em đem đàn theo chứ ở nhạc viện cũng có đủ.

Thiên Tùng cười đáp:

- Em mang theo để đệm cho cả nhóm hát.

Duy Bảo đề nghị:

- Thầy hát “Tiếng chày trên sóc Bombo” đi thầy.

Thầy Việt Thái vui vẻ:

- Các em hát trước, tôi hát theo.

Cả nhóm ồn ào:

- Cắc cùm cum... cắc cùm cum...

Bỗng Nguyệt Thư ngâm nga:

- “Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.

Cả nhóm cười phá lên:

- Lạc quẻ rồi Thư ơi!

Nguyệt Thư nghênh mặt giải thích:

- Thơ ngạc giao duyên, lạc quẻ đâu, ông không biết gì hết.

- Thư tưởng Khang không biết gì à?

- Vậy Khang biết gì hả?

Giọng Khang ồm ồm:

- Biết làm... ma.

Nguyệt Thư ré lên.

- Hả!

Để phụ hoạ cho lời của mình, Nam Khang làm ma ngay. Anh chàng sinh viên nghịch ngợm trợn mắt, nhe răng, hai tay banh hàm, cái lưỡi le dài huơ huơ.

Cả bọn cười ngặt nghẽo trước sự biểu diễn của Nam Khang.

Nam Khang lại đổi động tác nữa chứ. Nhe răng đã rồi anh lại cất chuỗi cười dài kinh dị.

Tố Mẫn nhăn nhó:

- Thôi đi ông, cười giống ma khóc nghe ớn quá chừng.

Tịnh Đoan giải thích:

- Thì hắn đang làm ma mà.

Duy Bảo cất tiếng hỏi:

- Ma cà bông hay ma lai vậy Khang?

Nam Khang tỉnh giọng:

- Ma... yêu.

Cả nhóm lại cười rộ lên, tiếng cười như những chuỗi âm thanh trong vắt từ trong xe vang ra ngoài.

Bệnh bắt chước lây lan, Thiên Tùng rồi Duy Bảo cũng làm ma.

Hai chàng sinh viên cất tiếng hú dài, rồi rên rỉ ai oán:

- Hừ? Hừ... lạnh quá! Đói quá!

- Hu... hu... đói quá!

Duy Bảo còn phe phẩy hai bàn tay rồi làm ra vẻ run lập cập.

Nguyệt Thư nhăn mặt:

- Làm giống ma thật quá mấy ông ơi.

Duy Bảo hỏi tỉnh bơ:

- Ủa! Bộ Thư thấy ma thật rồi hả?

Nguyệt Thư lắc đầu:

- Có thấy bao giờ đâu.

Thiên Tùng trêu chọc:

- Có thấy chắc Thư cũng chạy vắt giò lên cổ rồi.

- Chạy như ma đuổi chứ!

Nam Khang sửa lưng.

Thầy Việt Thái ngồi theo dõi nhóm sinh viên vui đùa phá phách, gật đầu khen:

- Các em có khiếu biểu diễn lắm đó.

Nam Khang thích thú:

- Biểu diễn ma hả thầy?

Tịnh Đoan chú thích:

- Rứa mà cũng hỏi! Thầy nói Khang có khiếu diễn hài đấy.

Nam Khang phân trần:

- Mình học ở nhạc viện chứ đâu phải sân khấu.

- Không chừng ông sẽ chuyển ngành.

Cả bọn chọc phá nhau tưng bừng khiến không khí trên xe rất vui nhộn.

Và chặng đường xa chừng như rút ngắn lại.

Mãi lo đùa giỡn, xe chạy đến đâu không ai biết.

Bất giác mọi người cảm giác lành lạnh.

Không khí lạnh càng lúc càng ùa về.

Tố Mẫn kêu lên:

- Ôi, lạnh ghê!

Nguyệt Thư trách móc:

- Tại mấy ông nói chuyện ma bây giờ lạnh ngắt thế này?

Duy Bảo dài giọng:

- Sợ ma rồi đổ thừa.

- Ma ai mà không sợ.

Thiên Tùng lý giải:

- Giữa ma và lạnh hổng có liên quan nhau.

- Có chứ!

Thầy Việt Thái giảng hoà:

- Các em đừng cãi nữa! Chúng ta lạnh là do xe đang lên cao nguyên.

Thiên Tùng ngạc nhiên:

- Thầy nói thực tập ở Tây Nguyên mà?

- Cao nguyên chứ, tôi hơi lộn xộn giữa hai từ này.

Quá bất ngờ, cả nhóm sinh viên đều nhìn thầy Việt Thái. Vậy là đi Cao Nguyên à?

*

*  *

Nhạc viện giống như một toà lâu đài hoang phế rêu phong, giống như cung điện đền đài của vua chúa ngày xưa.

Nhạc viện nằm dài trên quả đồi cao chen giữa sắc hoa đào, hồng thắm, hoa mận trắng muốt và được bao bọc xung quanh là hàng thông bát ngát.

- Đúng là nhạc viện cổ!

Những mảng tường phủ rêu đỏ sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, những khung cửa sổ trầm mặc như có sức hút đối với các cô cậu sinh viên mới đến.

Nhạc viện thật dài và rộng thênh thang có rất nhiều phòng.

Vừa bước vào, Nguyệt Thư đã kêu lên:

- Ôi, sao nhạc viện chẳng giống nhà hát ở thành phố chút nào!

Thiên Tùng ra vẻ hiểu biết:

- Giống sao được, đây là toà lâu đài cổ mà.

Thầy Việt Thái giải thích:

- Cái gì càng cổ xưa càng có giá trị các em à.

Nguyệt Thư mỉm cười:

- Em tưởng toà lâu đài chỉ có trong truyện cổ tích, ai ngờ cũng có thật nơi đây.

Duy Bảo pha trò:

- Đây là cung điện của vua Nguyễn, mỗi khi hoàng đế vào tham quan du lịch Đà Lạt có chỗ ngự đấy.

Tịnh Đoan cất giọng Huế ngay:

- Răng mà Báo tưởng tượng hay rứa!

Duy Bảo cười chọc:

- Có đúng không hỉ, Tịnh Đoan?

- Không đúng, hì…

Nhóm sinh viên được bố trí ở hai phòng cạnh nhau.

Thiên Tùng dặn dò đám con gái:

- Các bà có sự cố gì thì đánh trống gõ mõ, thổi tù và la làng báo cho tụi tui biết nha.

Tố Mẫn thắc mắc:

- Sao lại đánh trống gõ mõ?

Thiên Tùng hóm hỉnh:

- Mình đang sống trong nhạc viện cổ thì xài đồ cổ để truyền thống.

Nguyệt Thư nhận định:

- Ở đây không có trống mõ, tù và cho ông đánh và thổi đâu.

Thiên Tùng gãi đầu cười:

- Chắc chắn có nhạc cụ cổ mình thực tập đó.

- Tất nhiên rồi! Nhạc viện cổ mà.

Cả bọn lục đục sắp xếp chỗ ở, chuẩn bị cho những ngày thực tập sắp tới.

Buổi tối, thông reo ầm vang từ xa. Giờ vù vù thổi lại.

Đêm đen làm cho nhạc viện như chìm trong sự cô tịch, vắng vẻ.

Nguyệt Thư đứng nơi cửa sổ nhìn ra. Bóng tối phủ giăng khắp sườn đồi.

Một cơn gió rít qua lạnh buốt. Nguyệt Thư co rúm người lại than thở:

- Tại sao lên cao nguyên Lâm Đồng thực tập mà thầy không báo cho bọn mình biết để chuẩn bị áo len? Giờ lạnh thấu xương biết làm sao.

Tố Mẫn tỉnh bơ:

- Thì chịu lạnh chứ biết sao.

Gió lại rít lên nữa. Hàng thông reo mà tưởng chừng tiếng hú dài trong đêm vắng.

Tịnh Đoan rùng mình:

- Ở đây vắng vẻ quá hỉ?

Có cái gì đó khiến cho Nguyệt Thư, Tịnh Đoan, Tố Mẫn thấy sờ sợ.

Không ai bảo ai, cả ba điều muốn sang phòng các bạn nam.

Hồi đi xa thật vui nhộn, sao bây giờ đến đây đìu hiu quá chừng.

Nguyệt Thư rủ:

- Sang phòng bên rủ mấy hắn đàn ca cho đỡ buồn.

Tịnh Đoan và Tố Mẫn hưởng ứng ngày. Cả ba kéo nhau qua gõ cửa phòng nam.

Nguyệt Thư cất giọng:

- Ra cho hỏi thăm mấy nạn ơi.

Duy Bảo thò đầu ra, pha trò:

- Sao không đánh trống gõ mõ như “Tùng xèng” dặn.

Nguyệt Thư đối ứng:

- Bản thân Tùng là “Tùng xèng” rồi, khỏi gõ.

Tịnh Đoan chú thích thêm:

- Bọn tui gõ cửa cũng là gõ cửa rồi đó.

Thiên Tùng, Duy Bảo, Nam Khang đều kéo ra ngoài.

Thiên Tùng hóm hỉnh hỏi:

- Mấy bả báo động chuyện gì hả?

- Ở đây vắng vẻ âm u buồn quá! - Nguyệt Thư nhanh nhảu trả lời.

Thiên Tùng phì cười:

- Vắng vẻ âm u là phải thôi. Cao nguyên chứ đâu phải thành phố mà nhộn nhịp.

Tố Mẫn láu táu:

- Bây giờ mình làm cái gì nhộn nhịp lên đi.

Nam Khang xúi:

- Mấy bà la lên là nhộn nhịp hà. Con gái là cái chợ mà.

Nguyệt Thư nhăn mặt:

- Vô duyên! Khang bảo bọn tôi nói nhiều hả?

Nam Khang gật gù xác nhận:

- Chứ còn gì nữa? Con gái hay buôn dưa lê, làm “bà Tám” suốt ngày.

Nguyệt Thư phàn nàn:

- Tưởng Khang là dân nhạc viện văn hoa thanh lịch, ai ngờ nói năng phi văn hoá.

Duy Bảo hỏi giùm bạn:

- Nam Khang nói đúng chứ phi văn hoá chỗ nào?

Tố Mẫn chống nạnh hai tay:

- Bảo con gái là cái chợ là bà Tám buôn dưa lê mà văn hoá à?

Thiên Tùng bật hỏi:

- Ủa! Các bà sang đây gây sự há?

Tịnh Đoan cười hiền hậu:

- Có gây sự mô? Bọn mình đề nghị các bạn đàn ca cho ấm và đỡ sợ.

Duy Báo cười hì hì:

- Nãy giờ ông gây sự với Nam Khang cũng hết sợ rồi.

Tịnh Đoan nguýt dài.

Thiên Tùng nhanh nhảu vào trong ôm cây đàn ghita ra.

Cả bọn ngồi bên nhau trước hành lang đàn hát.

Nguyệt Thư đưa mắt nhìn quanh, cô vừa phát hiện ra đèn đuốc trong toà lâu đài hoang vắng này quá ít.

Chỉ có vài bóng đèn leo lét vì thế âm u càng thêm âm u. Nhạc viện gì không ở ngay trung tâm thành phố lại khuất nẻo trên đồi cao.

Nhạc viện gần một dẫy toà nhà cổ xưa, quá cũ nên có vẻ huyền bí. Và huyền bí nên Nguyệt Thư và các bạn thấy có cái gì đó ghê ghê.

Thình lình đèn tắt, bóng tối phủ vây.

Tịnh Đoan kêu lên:

- Cúp điện rồi! Ôi, ghê quá!

Nam Khang trấn an:

- Đừng sợ, có tụi tui đây.

Tố Mân rên rỉ:

- Đen thui thùi lùi lùi có thấy mấy ông đâu.

Duy Bảo cắc cớ hỏi:

- Vậy mấy bà đang thấy gì hả?

- Thấy ma.

Nguyệt Thư thốt lên tỉnh bơ.

Duy Bảo bật cười khanh khách:

- Ở đây đâu phải “Liêu trai chí dị” đâu mà thấy ma.

Nguyệt Thư giải thích:

- Tại Thư liên tưởng.

Thiên Tùng tò mò:

- Liên tưởng gì hả Thư?

Nguyệt Thư hạ giọng:

- Nơi bóng tối thường có ma.

- Trời đất!

Tố Mẫn phụ hoạ:

- Lại thêm nhạc viện cổ có vẻ huyền bí âm u.

Tịnh Đoan bổ sung thêm:

- Mà nơi nào huyền bí thì nơi đó có ma.

Nam Khang vờ rên rỉ:

- Hừ! Hừ! Lạnh quá!Tối quá!

Thiên Tùng đập vai Nam Khang:

- Thằng quỷ? Mày làm cho mấy bạn sợ thêm.

Đèn bỗng sáng lên.

Duy Bảo cười chọc:

- Có điện rồi kìa! Đừng sợ nữa mấy bạn ơi!

Đèn điện không đủ sáng khắp khu nhạc viện, cuối dãy hành lang tối om om.

Bất chợt trong bóng tối bỗng loé lên những đêm sáng xanh lè bay chờn vờn.

Đóm sáng mờ mờ ảo ảo, lúc ẩn lúc hiện. Tịnh Đoan nhắm mắt lại:

- Cái chi mà dị rứa?

Nam Khan doạ:

- Ma lè đó.

Mở mắt ra, Tịnh Đoan thấy đốm sáng đỏ rực đang nhởn nhơ trước mặt như muốn nhào vào người Tịnh Đoan.

Tịnh Đoan sợ hãi hét lên:

- Trời ơi! Ma... ma!

Thiên Tùng trấn an:

- Ma đâu mà ma! Tịnh Đoan nhát như thỏ đế vậy đó.

Tịnh Đoan phồng mặt lên:

- Làm như mấy ông dạn dữ.

Thiên Tùng khẳng định:

- Nam nhi phải dạn chứ sao?

Nguyệt Thư tự ái:

- Thôi về phòng kẻo mấy ổng nói mình chết nhát.

Thiên Tùng mỉm cười nhìn theo mấy cô bạn lục đục kéo về phòng.

*

*  *

Các bạn đã ngủ.

Thiên Tùng ngồi bên khung cửa sổ ôm cây ghita vào lòng bắt đầu so dây đạo nhạc.

Bài ca quen thuộc rung lên nhịp điệu êm ái.

“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh anh mến lá sân trường”.

Khu nhạc viện này có hoa cúc không nhỉ, còn lá sân trường xanh chắc là không có rồi.

Thiên Tùng mơ màng, không ngờ nhóm sinh viên lên Đà Lạt thực tập chứ không phải vùng Tây Nguyên có sóc Bombo với tiếng chày giả gạo “ cắc cùm cum”.

Ơ kìa, có phải tiếng chày? Một cơn gió từ xa thổi đến, Thiên Tùng rùng mình, anh nghe văng vẳng trong gió một âm thanh kỳ quái, không phải tiếng chày giả gạo rồi.

Tiếng gào rú của đêm đen thật hoang dại, thê lương.

Tiếng rú vừa dứt thì Thiên Tùng bỗng nghe tiếng khóc tỉ tê ai oán.

Tiếng khóc uất nghẹn như có gì oan ức.

Thiên Tùng sợ hãi muốn thét vì anh vừa nhìn thấy một bóng trắng ẻo lả, chập chờn ngoài khung cửa sổ.

Bóng áo trắng tiến sát bên khung cửa sổ, chưa bao giờ Thiên Tùng khiếp đảm đến thế này.

Đôi mắt xanh lè như mắt mèo hoang nhìn Thiên Tùng như thôi miên.

Giờ phút này đây, hồn Thiên Tùng như bị treo ngược lên tận mây xanh.

- Ma... ma?

Thiên Tùng sợ đến chết điếng, khi bóng ma đưa bàn tay gầy guộc xương xẩu trắng xanh vẫy vẫy anh, hai ống tay áo của bóng ma rộng thùng thình phất phơ, phất phơ.

Khiếp đảm hồn kinh mà Thiên Tùng vẫn trố mắt nhìn.

Gương mặt ma nữ toát lên vẻ đẹp huyền ảo và gương mặt ấy thật sát mặt Thiên Tùng, chỉ ngăn cách bởi song cửa sổ.

Bàn tay xương xẩu với qua song cửa sổ mơn trớn đầu Thiên Tùng.

Thiên Tùng thét lên, nhưng miệng anh ra ngoài tê cứng, tiếng thét chẳng thoát được ra ngoài.

Và Thiên Tùng bỗng nhiên như hoá đá.

Buổi sáng, bò ra khỏi chỗ ngủ trước, Duy Bảo phát hiện ra Thiên Tùng đang ngồi gục bên khung cửa sổ.

Duy Bảo đập vai Thiên Tùng lay gọi:

- Dậy dậy! Bộ mày ngủ gục ở đây hả Tùng?

- Tao…

Thiên Tùng choàng tỉnh dụi mắt ngơ ngát nhìn quanh:

- Trời sáng... rồi à.

- Ừ! Sáng rồi!

Thiên Tùng thẫn thờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ đến hồn ma áo trắng lởn vởn trước mắt.

Thật khôi hài, vừa mới chế nhạo lũ con gái chết nhát sợ ma, rồi chính mình lại gặp... ma.

Giấu nhẹm chuyện này chẳng dám kể cho hai tên bạn chung phòng nghe, cả máy cô bạn gái nữa. Bọn họ cười có mà không dám ngẩng mặt lên

*

*  *

Buổi thực tập đầu tiên, nhóm sinh viên được tham quan khu nhạc viện.

Thầy Việt Thái ân cần:

- Các em làm quen với nơi chúng ta thực tập trước rồi sau đó vào phòng nhạc cụ, tôi sẽ giới thiệu với các em các loại đàn dân tộc.

Nguyệt Thư reo lên:

- Thầy tâm lý ghê cho tụi mình xem kỹ chỗ mình trú ẩn.

Tố Mẫn cười khúc khích:

- Xem kỹ để đỡ sợ ma đấy.

Cả lớp một lần nữa được dịp bình phẩm nhạc viện.

Nguyệt Thư thắc mắc:

- Không biết ai thiết kế nhạc viện nhỉ? Cứ như toà lâu đài.

Ra vẻ hiểu biết, Duy Bảo đáp:

- Người pháp thiết kế đấy!

Tịnh Đoan nhận định:

- Nếu ở thành phố nó sẽ biến thành chung cư hay khách sạn rồi.

Tố Mẫn nhìn Tịnh Đoan:

- Nghe nhỏ ni nói chuyện, biết có máu kinh doanh.

Thiên Tùng đi quanh khắp khu nhạc viện ngó quanh quất các khung cửa sổ.

Nhiều phòng nối tiếp nhau. Các dãy hành lang chạy dài. Vẫn chưa nhận ra khung cửa sổ nào là của căn phòng lũ con trai.

Bóng ma áo trắng từ đâu xuất hiện ngay cửa sổ phòng Thiên Tùng nhỉ.

Phát hiện ra vẻ thẫn thờ khác lạ của Thiên Tùng, Nguyệt Thư kêu lên:

- Thiên Tùng sao ủ dột vậy?

Duy Bảo châm chọc:

- Nó đang nhớ nhà, nhớ mẹ đấy.

Nguyệt Thư lém lỉnh:

- Phải nhớ nhà, nhớ mẹ hôn, hay nhớ ai ra ngẩn vào ngơ đó?

Thiên Tùng đáp trả:

- Thư đừng có suy bụng Thư ra bụng tui đó nghen.

Nguyệt Thư hồn nhiên:

- Bụng Thư khác bụng Thiên Tùng, làm sao suy được hả?

Cả bọn ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Tố Mẫn rủ:

- Mấy bạn ơi, lại xem mận có trái hôn, hái đi!

Thiên Tùng đưa ngón tay lên môi:

- Nội quy nơi thực tập nghiêm ngặt. Hái hoa, hái trái là vi phạm tài sản quốc gia đó nghe.

Tịnh Đoan ngó Thiên Tùng:

- Răng mà lúc mô ông cũng phát huy vai trò lớp trưởng hỉ?

Thiên Tùng gãi đầu:

- Tui lo cho mấy bạn, để khỏi bị trừ điểm nề nếp đạo đức.

Nguyệt Thư căn dặn Thiên Tùng:

- Tốt quá nhỉ! Nhưng nè, ban đêm đừng có lẻn đi hái mận ăn một mình nghen!

Nam Khang cười xía vô:

- Ban đêm, có ai dám ra đây hái mận không hả?

Nguyệt Thư ré lên:

- Ông lại nhát ma nữa hả?

Thiên Tùng gật đầu:

- Ừ! Ban đêm đầy ma.

Nam Khang khẳng định:

- Hì... hì... Đâu cần tui nhát, thằng Tùng cũng công nhận có ma mà.

Tịnh Đoan trề môi:

- Rứa là mấy ông làm bộ để tụi tui không dám ra đây hái mận chứ gì?

Nam Khang cười cười:

- Sự thật thì mấy bà cũng đâu có dám ra.

Duy Bảo phụ hoạ:

- Chính đêm qua ở trong phòng mà mấy bà còn chạy sang cầu cứu tụi tui đó.

Nguyệt Thư đính chính:

- Tại vì đêm đầu tiên ở chỗ lạ, thấy sợ nên cầu cứu chứ sao?

Cả bọn thong thả đi dạo dưới tán cây mận xanh tươi, những chùm hoa mận trắng muốt đong đưa trong gió.

Nhạc viện rêu phong ẩn mình dưới những tán cây mận, cây hoa anh đào trông thật kỳ bí.

*

*  *

Buổi chiều xúm xít bên giếng nước xách nước lên tắm giặt.

Nguyệt Thư bình luận:

- Giữa thời đại văn minh này mà còn sót lại cái giếng nước cổ kính thì tuyệt thật.

Tố Mẫn nhăn nhó:

- Tuyệt cái gì? Nhìn cái giếng tao sợ muốn chết.

- Mi sợ gì hả?

Tố Mẫn tặc lưỡi:

- Giếng sâu thăm thẳm thấy ghê. Xách lên từng thùng nước lúc nào ta cũng sợ té ùm xuống dưới.

Tịnh Đoan gật gù:

- Ừ, té xuống dưới nó thành ma giếng, không ai vớt lên được, suốt đời ở dưới luôn.

Tố Mẫn rụt cổ:

- Trời ơi, ghê quá!

Nguyệt Thư tỉnh bơ:

- Bởi vậy ai muốn tự tử cứ việc đâm đầu xuống giếng là chết luôn.

Tố Mẫn ré lên:

- Chết ở dưới làm sao xách nước lên xài.

Nam Khang góp lời:

- Làm ma giếng vất vưởng chui lên nhát mọi người.

Nguyệt Thư nhăn nhó:

- Ông lúc nào cũng nhắc ma.

- Tui nói sự thật mà.

Duy Bảo phẩy tay:

- Dẹp chuyện ma đi. Để tôi xách nước lên cho mấy bạn.

Mấy cô gái vỗ tay reo:

- Hoan hô, Duy Bảo tuyệt quá.

Duy Bảo thả chiếc thùng xuống giếng một tiếng ùm vang lên.

Kéo thùng nước lên Duy Bảo nghêu ngao hát:

“Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài.

Ai ngờ giếng cạn tôi tiếc oài sợi dây”.

- Giếng cạn dễ xách nước nghe ông?

Duy Bảo gật gù:

- Biết rồi, còn người cạn thì... quý vị có biết sao không?

Bọn con gái nheo nheo:

- Thì sao hả?

Duy Bảo phì cười:

- Thì không sâu.

Nam Khang vỗ vai Duy Bảo:

- Giải thích như ông thì có nối lên được gì đâu.

Duy Bảo kéo Thiên Tùng vào cuộc:

- Nói giùm đi ông.

Thiên Tùng cất giọng trịnh trọng:

- “Giếng nước cây đa, mái đình là tượng trưng là làng quê là nét văn hoá dân tộc”.

Duy Bảo ngó Thiên Tùng:

- Nè, ông là sinh viên nhạc viện hay là nhà nghiên cứu văn hoá vậy?

Thiên Tùng tỉnh tỉnh:

- Tôi sẽ nghiên cứu ông đó.

Duy Bảo la lên:

- Thằng quỷ! Chưa đàn hết các nhạc cụ dân tộc đã muốn khùng rồi hả?

Tố Mẫn châm chọc:

- Chắc Bảo có vấn đề gì đó nên Thiên Tùng mới đồi nghiên cứu.

Duy Bảo nhìn Thiên Tùng:

- Nếu mày là bác sĩ hay nhà khoa học, tao dám hi sinh làm vật thí nghiệm cho mày nghiên cứu đó.

Thiên Tùng gật gù:

- Mày nói nhớ giữ lời nghen, tao sẽ chuyển ngành đấy.

Duy Bảo rùn vai:

- Thôi đi ông, tha cho tôi!

Bất chợt Nguyệt Thư thắc mắc cất tiếng hỏi:

- Thầy mình nghỉ ở đâu?

Nam Khang nháy mắt chọc Nguyệt Thư:

- Ái chà! Quan tâm đến thầy hướng dẫn dữ nhỉ?

Nguyệt Thư phân trần:

- Quan tâm chi, mình chỉ biết thầy ở đâu để tránh vậy mà.

Nam Khang truy đến cùng:

- Tránh gì hả?

- Tránh nói bậy, đùa giỡn.

- Bộ Thư hay nói bậy và đùa giỡn lắm hả?

Nguyệt Thư đập lại vai Nam Khang:

- Mình tránh giùm cho Khang đấy.

Nam Khang phấn khởi reo lên:

- Ôi! Chứng tỏ Thư lo cho tui lắm lắm.

Đập vai Nam Khang, Nguyệt Thư phân bua:

- Đừng ham, tui lo cho cả nhóm đó ông.

Nam Khang đùa đùa:

- Vậy thì báo cho Thư biết, thầy đang ở khách sạn đó.

Tố Mẫn lên tiếng phân bì thật trẻ con:

- Tụi mình ở toà lâu Đài hoang, còn thầy ở khách sạn sướng ghê.

Thiên Tùng lên tiếng:

- Thầy bảo cùng ở đây với bọn mình mà.

Tịnh Đoan lại thắc mắc:

- Nhưng có thấy thầy đâu.

- Thầy ở phòng riêng chứ chẳng lẽ ở chung với bọn nam.

Duy Báo lại phẩy phẩy tay:

- Thầy ở đâu đừng thắc mắc quý vị ơi. Thầy để cho tụi mình tự do quậy thì cứ quậy tưng bừng đi.

Nguyệt Thư ngó Duy Bảo:

- Bảo đòi quậy mà không sợ lớp trưởng hả?

- Sợ gì? Lớp trưởng cũng quậy như tụi mình chứ có thua đâu.

Cả nhóm vừa xách nước vừa đùa giỡn, bỗng có một người đàn ông đi xăm xăm đi tới.

Trông ông ta thật cổ quái. Cái lưng gù bộ râu dài, tóc dài, đội cái nón rộng sùm sụp che kín khuôn mặt.

Nhóm sinh viên lùi ra xa khỏi giếng.

Nguyệt Thư thì thào:

- Giống Ca-si-mô-nô quá!

Thiên Tùng đưa một ngón tay lên ra hiệu:

- Bác Ngàn bảo vệ khu nhạc viện ma dám nói “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà” hả?

Nguyệt Thư đính chính:

- Thư nói giống chứ bộ.

Thiên Tùng nhắc nhở:

- Mấy bạn giặt giũ nhanh lên, trả giếng lại cho bác Ngàn.

Tố Mẫn bắt bẻ:

- Có ai lấy giếng của bác ấy đâu chứ.

- Tui muốn nói là mình tránh để cho bác thoải mái đấy mà.

Bác Ngàn lặng lẽ xách nước tưới cây, siêng năng cần mẫn như con ong, con kiến...

 

1 2 3 4 5
Trang Chủ
hayqua Trang chủ
On: crack
Today: 1
Vietnam Backlinks